TUYÊN KHẤN (Lời Khấn Dòng)_Tu sĩ Giuse Maria Trương Văn Trung, XV.


TUYÊN KHẤN (Lời Khấn Dòng)

 I.- DÒNG TU

Trong tiếng Việt, hai từ “tuyên khấn” thường đi liền với nhau, nhưng trong Giáo Hội thì đó là hai thực tại khác biệt: “tuyên” (professio) nghĩa là phát biểu ra ngoài miệng điều mà mình đã quyết định (propositum) trong lòng, “khấn” (votum) nghĩa là hứa với Chúa sẽ thực hành một điều thiện toàn. Theo thể chế của bộ Giáo Luật hiện hành, thì chỉ có các phần tử của tu hội đời sống thánh hiến mới buộc phải khấn và khấn công. Còn các phần tử của tu hội đời thì vẫn phải “tuyên” nhưng không buộc phải “khấn”, họ có thể chỉ “tuyên thệ” hay “tuyên hứa”.

 

Bộ luật mới quy định các tu hội đời sống thánh hiến phải tuyên khấn. Để cho luật riêng xác định thời hạn cam kết thời, trong vòng từ 3 năm tới 6 năm (tối đa là 9 năm). Trong khoảng thời gian đó, có những phương thức khác nhau: hoặc khấn tạm 3 năm một lúc, hoặc khấn tạm từ năm một trong vòng 3 hay 6 năm v.v…

 

Giáo Luật cho thấy việc tuyên khấn gồm 3 yếu tố chính:

1.- Tuyên khấn tuân giữ 3 lời khuyên Phúc Âm.

Ngoài ba lời khấn khiết tịnh, khó nghèo, vâng lời, một số tu hội còn thêm lời khấn thứ tư (thường gắn với mục tiêu tông đồ của tu hội). Bộ luật mới đã nhấn mạnh rằng mỗi tu hội có quyền và nghĩa vụ bảo vệ di sản của mình. Như vậy, ta có thể kết luận: nếu tu hội nào đã có lời khấn thứ tư như di sản thì cứ việc giữ.

2.- Thánh hiến cho Thiên Chúa nhờ thừa tác vụ của Giáo Hội.

Giáo Hội thay mặt Chúa để đón nhận sự hiến dâng này, để cho sự hiến dâng này đạt được hiệu quả đầy đủ.

3.- Gia nhập vào Tu hội

Người tuyên khấn hiến dâng và tu hội đón nhận: kết quả là người tuyên khấn được gia nhập tu hội (điều 654).

 

II. KHẤN TẠM

Trong các dòng cổ truyền, sau khi mãn thời kỳ thử luyện, tập sinh được nhận cho khấn vĩnh viễn ngay. Việc khấn tạm mới được đưa vào giáo luật.

1.- Thời hạn:

1.1- Giáo Hội từ thế kỷ XIX, thời Đức Giáo hoáng Piô IX (1862), lúc đầu chỉ đòi hỏi các dòng khấn trọng. Bộ Giáo Luật 1917 bắt buộc hết mọi dòng. Ngoài ra,  trong bộ luật cũ còn có sự phân biệt giữa khấn đơn và khấn trọng: các dòng cổ (ordo) mới có lời khấn trọng, còn các dòng cận đại (congregatio) chỉ có lời khấn đơn. Bộ luật mới không nói tới vấn đề này.

1.2.- Tuyên khấn tạm thời không phải là một điều tự nó có ý nghĩa: người ta không thể lặp lại lời khấn tạm này mãi mãi, để kiên trì ở lại trong tu hội. Tuy có tính tạm thời, nhưng việc tuyên khấn này là một lời khấn đích thực, nó là bước tiến trong sự phát huy việc huấn luyện người tu sĩ, và là đỉnh cao của sự hoà hợp giữa tu hội và người tuyên khấn.

1.3.- Điều 655 đặt ra hai giới hạn: 3 năm và 6 năm.

a/ Ba năm, rồi sẽ khấn trọn đời.

b/ Hai lần 3 năm, rồi sẽ khấn trọn đời.

c/ Mỗi năm khấn lại, cho tới 3 năm, v.v…

Ta thấy quan điểm của nhà lập pháp khá co dãn, bởi vì không những đã để cho luật riêng được quyền ấn định thời hạn của việc khấn tạm và kể cả hạn kỳ của nó nữa. Cũng nên chú ý: có thể kéo dài thời hạn này, theo điều 657§2, như một ngoại lệ, chứ đây không phải là một luật tổng quát.

2.-  Điều kiện để tuyên khấn hữu hiệu

Không dành cho luật riêng làm việc này, điều 656 đòi hỏi sau đây để xác định tính cách thành hiệu của lời khấn:

2.1.- Tuổi trọn 18: (nghĩa là tuổi trưởng thành theo Giáo Luật điều  97§1) Theo nguyên tắc, đòi hỏi về tuổi này có được chuẩn chước.

2.2.-  Đã qua thời gian tập viện hữu hiệu: việc này phải được đánh giá theo luật chung và luật riêng, vì luật riêng có thể đặt thêm những cản trở.

2.3.-  Được nhận cho khấn do bề trên có thẩm quyền với ý kiến của ban cố vấn. Đây là một hành vi pháp lý khác biệt với sự nhận vào tu hội, được đề cập nơi số 5. Điều luật không nói rõ, nhưng phải hiểu đây là bề trên cao cấp (chứ không phải bề trên nhà). Bề trên phải xin ban có vấn của mình bỏ phiếu: luật chung dành quyền cho luật riêng để quyết định đây là phiếu tư vấn hay biểu quyết. Khuynh hướng chung muốn đây là lá phiếu biểu quyết. Sau hết, sự nhận cho khấn này phải hoàn toàn tự do.

2.4.- Phải phát biểu lời khấn ra ngoài miệng, và không ảnh hưởng của vũ lực, sợ hãi trầm trọng hay lừa gạt.

2.5.- Lời khấn phải được nhận bởi bề trên hợp pháp. Khác với nhận vào tu hội, việc nhận lời khấn này có thể được nhận do vị bề trên uỷ nhiệm.

3.- Quyền lợi và nghĩa vụ.

Do hiệu quả của lời khấn, tu sĩ trở nên phần tử của tu hội, đảm nhận những nghĩa vụ và quyền lợi trong tu hội. Tuy nhiên, chưa được hưởng tất cả quyền lợi như người đã khấn trọn đời. Luật riêng phải xác định rõ những giới hạn đó. Luật chung quy định những điều sau:

3.1.- Vấn đề tài sản: trước khi khấn lần đầu, các phần tử phải nhượng lại việc quản lý tài sản riêng cho ai mà mình đã chọn – bất kỳ vật gì thủ đắc thì thủ đắc cho tu hội.

3,2,- Vấn đề tiếp tục hay rời bỏ tu hội: điều 657 cho biết thời gian khấn tạm có thể được chấm dứt nhiều cách khác nhau:

a/ Bằng sự lặp lại lời khấn: nếu tu sĩ tự động xin và được xét là xứng đáng, và miễn là thời gian khấn tạm không quá 9 năm.

b/ Bằng sự ra về: từ bỏ tu hội, theo điều 688, đương sự được hoàn toàn tự do quyết định.

c/ Bị từ chối không cho khấn trọn đời. Bề trên thấy đương sự không thích hợp. Sự từ chối này không bị coi là một sự trừng phạt, và đương sự có thể thượng cầu nơi các bề trên của tu hội, hoặc tại Toà Thánh.

d Bằng việc tuyên khấn trọn đời. Đây là kết thúc thường tình và tốt đẹp.

 

4.- Những điều cần lưu ý:

4,1,- Trong thời gian khấn tạm, tu sĩ có thể xin tháo lời khấn khi có lý do trầm trọng. Thẩm quyền tháo lời khấn là bề trên tổng quyền với sự thoả thuận của ban cố vấn. Trong các tu hội giáo phận (và các đan viện tự trị), đặc ân chuẩn chước ấy cần phải được giám mục giáo phận chuẩn y thì mới có giá trị.

4.2.- Như vậy, các tu hội thánh hiến thuộc quyền Toà Thánh, không còn phải xin phép Toà Thánh nữa.

4.3.- Trong thời gian khấn tạm, nếu có lý do trầm trọng, tu hội có thể trục xuất. Nhưng thường người ta sử dụng một biện pháp khác có tính cách mềm dịu hơn, đó là không cho lặp lại lời khấn tạm sau khi cho phép sống ngoài Nhà Dòng.

 

III. KHẤN TRỌN ĐỜI.

1.- Điều kiện:

Ngoài những điều kiện nói ở điều 656, số 3,4,5, luật chung đòi hỏi 2 điều kiện sau:

1.1.- Đủ 21 tuổi.

1.2.- Khấn tạm trước ít là 3 năm, vẫn giữ nguyên quy định của điều 657§3 (điều 658).

 

Luật riêng có thể đặt thêm những điều kiện khác, cũng như mô tả tỉ mỉ thủ tục phải tuân giữ trước khi khấn trọn, thí dụ: khảo hạch, cấm phòng, chúc thư mà điều 668§1 đòi hỏi.

Chúng ta nên biết một quy định quan trọng ở điều 690, người nào đã rời bỏ tu hội một cách hợp lệ sau khi mãn tập viện hay sau khi mãn hạn khấn, thì nếu muốn trở lại, họ không phải lặp lại thời gian tập nữa. Họ có thể được thâu nhận do bề trên tổng quyền (chứ không phải chỉ có bề trên cao cấp) với sự thoả thuận của ban cố vấn. Bề trên tổng quyền sẽ ấn định một thời gian thử nghiệm trước khi nhận cho khấn tạm hay khấn trọn đời.

2.- Hiệu quả:

2.1.- Tu sĩ trở thành phần tử thực thụ của tu hội, với đủ quyền lợi và nghĩa vụ chiếu theo hiến pháp. Trong số những quyền đáng kể, là quyền được đảm nhận các chức vụ trong tu hội (xc. điều 623; 651§1), đối với các phần tử thuộc tu hội giáo sĩ, thì sau khi khấn trọn đời họ mới được lãnh chức thánh (xc. điều 1019§1).

2.2.- Trong số những nghĩa vụ kèm theo lời khấn, có lẽ chế tài nghiêm trọng nhất là các tu sĩ khấn trọn đời mắc ngăn trở tiêu hôn (điều 1088). Nói khác đi, nếu họ lập giá thú, không những mắc vạ cấm chế (điều 1394), bị khai trừ khỏi tu hội (điều 694§1,2), mà hôn nhân lại vô hiệu nữa. Còn về lời khấn khó nghèo, tu sĩ có thể mất sở hữu nếu luật riêng của tu hội đã quy định như vậy.

 

IV.- TU HỘI ĐỜI NHỮNG RÀNG BUỘC THÁNH (x. Giáo Luật điều 712)

1.- Hiến pháp của tu hội phải ấn định tõ những ràng buộc trong việc tuân giữ các lời khuyên Phúc Âm, những ràng buộc này phải được phê chuẩn hoặc được thừa nhận bởi Giáo Hội.

2.- Đây không phải là những cam kết riêng tư, chỉ buộc lương tâm, nhưng đây là những ràng buộc có tính pháp lý của một tu hội do Giáo Hội thành lập, có hiệu lực ở toà ngoài và sự chuẩn chước được dành cho thẩm quyền của Giáo Hội. Các ràng buộc này có thể có nhiều hình thức khác nhau: lời thề, lời hứa, sự thánh hiến, lời khấn. Nhưng không thể là lời khấn công, vì như thế sẽ là lời khấn dòng. Đồng thời cũng thể là lời khấn tư chỉ buộc lương tâm.

3.- Hiến pháp cũng phải xác định những nghĩa vụ sinh ra do các ràng buộc này, đối với tu hội cũng như đối với các thành viên. Sau cùng, phải tránh tất cả những gì giống như lối sống của tu hội dòng.

 

V.- TU ĐOÀN TÔNG ĐỒ và MỘT MỐI RÀNG BUỘC NÀO ĐÓ (x. Giáo luật điều 731 triệt 2)

1.- Cách sống của Tu Đoàn là lối sống của các Tu sĩ, nhưng các Tu Đoàn này khác với các Tu Hội Tận Hiến (Dòng và Tu Hội Đời), vì họ không có “lời khấn dòng”, nhưng họ có “một ràng buộc nào đó” (x. GL 731 # 2) , được ấn định trong Hiến Pháp.

2.- Các Tu Đoàn khác với các Tu Hội Tận Hiến (Dòng và Tu Hội Đời), vì không có lời khấn dòng, việc gia nhập được thực hiện qua lời hứa tư được nhìn nhận

 

[Trích “Giải Thích Bộ Giáo Luật” của Cha Giacôbê Phạm Văn Phượng, O.P. trang 326-331 (Dòng tu), 366 (Tu Hội Đời), 373-374 (Tu Đoàn). Những số được đánh lại để dễ nhìn hơn]

 

Tu Sĩ Giuse-Maria Trương Văn Trung, XV. 

Người Sáng Lập

DÒNG SỨC SỐNG CHÚA KITÔ 

 

Tìm Hiểu:

SUBSCRIBE

Từ khóa