RỬA TỘI ÂM HỒN NHẬP XÁC, ĐƯỢC KHÔNG ? (Lm. Phêrô Hoàng Minh Tuấn, CSsR.)

 RỬA TỘI ÂM HỒN NHẬP XÁC, ĐƯỢC KHÔNG ? (Lm. Phêrô Hoàng Minh Tuấn, CSsR.)

Xin anh chị em nhấn vào chữ DownLoad dưới đay để lấy bài:

DOWNLOAD và sau đó nhấn Ctrl+S

RỬA TỘI ÂM HỒN NHẬP XÁC, ĐƯỢC KHÔNG ?

Lm. Phêrô Hoàng Minh Tuấn, CSsR.

Đã từ lâu, được nghe dân chúng bàn tán xôn xao về việc ở vài nơi, Chúa hoặc Đức Mẹ nhập vào người nọ người kia và ban các thông điệp, các lời dạy bảo…, rồi ít lâu nay lại được nghe đồn và được đọc trên sách vở, báo chí một số trường hợp đại khái nói là có những người bị âm hồn bơ vơ, vất vưởng nhập vào trong mình họ (tạm gọi là “nhập xác”), họ sợ hãi chạy đến xin các Giáo Sĩ, Linh Mục cứu giúp, các Ngài đã ra công trừ tà, và có những lần âm hồn yêu cầu Rửa Tội cho chúng ….

Nhiều người thắc mắc và đến hỏi chúng tôi về cách thực hành ấy có đúng giáo lý không, buộc lòng chúng tôi phải giải đáp theo khả năng chúng tôi hiểu biết. Nhân cơ hội, chúng tôi cũng muốn đem những ý kiến đóng góp với mọi người, để làm sáng tỏ câu hỏi đặt ra trên đây. Nếu có gì sai sót, xin vui lòng chỉ bảo.

Để được rõ ràng, chúng tôi chia bài này (*)[1] ra làm 3 phần:

(I)    A/ VẤN ĐỀ “ÂM HỒN NHẬP XÁC”

        B/ RỬA TỘI CHO HỌ ?

(II)   VĂN KIỆN CỦA HỘI ĐỒNG GM CAMPANI, Ý.

(III)  PHÁN QUYẾT CỦA CHÚA VÀ HỘI THÁNH.

* * *

PHẦN (I)

A/ :  VẤN ĐỀ “ÂM HỒN NHẬP XÁC”

Theo Giáo Lý Công Giáo, Thiên Chúa dựng nên mỗi con người là một hữu thể gồm linh hồn và thể xác, thành một nhân vị tự lập, tự chủ, có tự do, và bất khả xâm phạm (inviolabilité) và bất khả thâm nhập (impénétrabilité). Bởi tính bất khả xâm phạm và bất khả thâm nhập này, do Thiên Chúa Tạo Hóa đã qui định, không một nhân vật nào được phép hay có khả năng xâm nhập vào nhân vật kia, nói đơn giản, người này không thể nhập vào người kia được.

Vậy nếu con người không có khả năng cho nên không thể xâm nhập vào người khác, thì chỉ còn có Thần Linhnhững hữu thể thuần túy thiêng liêng, không có thể xác vật chất, vốn là một loài cao cấp hơn, quyền thế hơn loài ngườimới có khả năng xâm nhập vào con người được.

Vì không hiểu rõ như thế, cho nên có người sẽ vặn lại : Trên đây bảo rằng con người không thể nhập vào con người khác được, đồng ý, vì đó là người còn đang sống thì đành rằng không thể xâm nhập vào nhau được, vì có thể xác là vật cản trở, nhưng người đã chết, thì không còn thể xác, chỉ còn linh hồn là giống thiêng liêng, có thể nhập vào người khác được chứ ?

Đáp : Linh hồn là giống thiêng liêng, điều này đúng theo quan điểm Kitô Giáo, nhưng còn bảo rằng khi chết linh hồn lìa khỏi xác, và vì là giống thiêng liêng nên có thể nhập vào người khác thì sai. Vì dù lìa xác, linh hồn ấy vẫn là linh hồn của loài người, chứ không trở thành thần linh, cho nên vẫn không có khả năng nhập vào người khác, do bởi hai tính bất khả xâm phạm và bất khả thâm nhập là qui định của Thiên Chúa mà ta đã nói ở trên.

Ngay cả Đức Mẹ và các Thánh… cũng không có khả năng nhập vào người khác, vì các Đấng không phải là thần linh, song chỉ là những con người thánh đức, đã được Thiên Chúa ân thưởng trên thiên đàng.[2]

Vả lại, cứ theo Giáo Lý Công Giáo, như sẽ trích dẫn dưới đây, bất cứ người nào đã chết thì linh hồn, sau khi lìa xác, sẽ bị phán xét riêng và ngay tức khắc sau đó, tùy công hay tội của mình đã lập được khi còn sống ở trần gian, mà phải vào 1 trong 3 nơi đã định (Thiên Đàng, Hỏa Ngục, Luyện Ngục). Nếu được vào Thiên Đàng nơi hạnh phúc vô cùng vô tận và thánh thiện, thì chẳng bao giờ các đấng tốt lành ấy lại xuống trần gian mà quậy phá ; còn nếu sa Hỏa Ngục, thì đời nào Satan lại để thả lỏng tù nhân của nó khỏi hình khổ hỏa hào mà thong dong rong chơi trên trần thế ; còn nếu ở trong Luyện Ngục, thì có thể đôi khi – nhưng rất hiếm – họ được Thiên Chúa cho phép tỏ mình ra với người trần, thường chỉ để nhắc nhở người trần giúp đỡ họ bằng cầu nguyện và Thánh Lễ, chứ không tùy tiện đi lang thang vất vưởng…, huống chi lại đòi nhập vào người khác mà quậy phá.

Tóm lại, như trên kia đã nói, chỉ có thần linh mới có khả năng nhập vào con người được.

Nhưng xin hỏi : Thần linh nào ?

Thưa : Có hai loại thần linh, thần lành (thiện thần) và thần dữ (ác thần).

Thần lành là Thiên Chúa, và các Thiên Thần.

Còn thần dữ là Satan và ma quỉ phe nó…

1) Thần lành : a.- Thiên Chúa, là Thần Linh thuần túy, Người có nhập vào loài người không ? Thiên Chúa đã dựng nên con người là một nhân vị có tự lập, tự chủ, và tự do, bất khả xâm phạm và bất khả thâm nhập như trên kia đã nói, nên Người tôn trọng những qui luật do chính Người đã lập ra, nếu Người vi phạm thì Người làm sao có thể dạy loài người phải giữ ?

b.-  Các Thiên Thầntuy là Thần Linh – song đều tuân theo đường lối ấy của Thiên Chúa.

Và xin thêm, Đức Mẹ và các Thánh, tuy không phải là Thần Linh, nhưng nay ở trên Thiên Đàng đã trở nên các Đấng thiêng liêng, cũng tuân theo đường lối của Thiên Chúa.[3]

Chúng ta có thể thấy rõ điều ấy trong Thánh Kinh, khi nghe các ngôn sứ thường nói : “Thiên Chúa Giavê phán thế này…”. Hoặc “Lời Thiên Chúa đã xảy đến cho ngôn sứ  X… như thế này…” (Giêrêmya 1.2,4; 2.1;3.1; Edêkien 3.16,22; 6.1; Hôsê 1.1,2; v.v…). Tức là Thiên Chúa ban lời Người cho họ, rồi họ nói lại, truyền lại cho dân chúng. Không bao giờ Người nhập vào vị tiên tri rồi dùng miệng vị tiên tri mà tự xưng mình : “Ta là Giavê đây, Ta phán rằng…”.[4]

Chúng ta cũng còn có thể thấy rõ điều ấy trong những cuộc hiện ra của Chúa hay Đức Mẹ. Các Ngài nói với họ, tỏ bày, hoặc cho họ thấy thị kiến điều nọ điều kia, rồi xin họ truyền bá ra cho mọi người. Ví dụ : ở Lộ Đức, Đức Mẹ hiện ra và yêu cầu cô bé Bênađêta, vốn là một cô bé nghèo và dốt nát, trong một ít ngày đến hang đá nơi Người đang đứng. Cô bé có quyền nhận hay từ chối lời đề nghị ấy, song thực tế cô đã nhận lời. Ở Fatima cũng vậy, Đức Mẹ hiện ra với ba trẻ Lucia, Phanxicô và Jacinta (10 và 8-9 tuổi - xem hình bên) và yêu cầu họ đến gặp Mẹ trong vòng 5 tháng, đúng vào ngày 13. Nay ở Medjugorje (Bosnia-Herzegovina, Nam Tư cũ) cũng thế, Đức Mẹ hiện ra với 6 thiếu niên nam nữ (tuổi từ 10 đến 16) và yêu cầu họ đến với Người và nhận loan truyền các sứ điệp của Người.

Chúa và Đức Mẹ luôn tôn trọng quyền tự chủ, tự do của các thị nhân. Các Đấng đối diện với họ như một con người đứng trước một con người khác, và mời họ cộng tác. Không bao giờ có chuyện xâm nhập vào trong mình họ.

Tắt một lời, không bao giờ Chúa hay Thiên thần, Đức Mẹ hay các Thánh nhập vào một người mà tự xưng bằng miệng người ấy rằng : “Ta là Giêsu, Ta dạy thế này…”; “Ta là Đức Maria, Ta khuyên bảo con thế kia….” ; “Ta mặc khải những điều sẽ xảy ra…”

2) Thần dữ : Vậy nếu các thần lành không làm chuyện xâm nhập ấy, thì chỉ còn các ác thần, Satan và ma quỉ mới làm bậy !

Mà Satan và ma quỉ là giống nào ?

Xin trả lời : Quỉ trước đây là Thiên Thần, những hữu thể thuần túy thiêng liêng – tức là những Thần Linh – sáng láng quyền uy, là tạo vật Thiên Chúa đã dựng nên cao hơn loài người một bậc ; nhưng đã do phản nghịch cùng Thiên Chúa mà phải trở thành ác quỉ sa Hỏa Ngục, sách Khải Huyền đã đưa ra một gợi ý về chuyện ấy :Bấy giờ, có giao chiến trên trời : Thiên Thần Mi-ca-en và các Thiên Thần của Người giao chiến với Con Rồng (đỏ như lửa). Con Rồng cùng các Thiên Thần của nó cũng giao chiến. Nhưng nó không đủ sức thắng được, và cả bọn không còn chỗ trên trời nữa. Con Rồng bị tống ra, đó là Con Rắn xưa, mà người ta gọi là ma quỷ hay Xa-tan, tên chuyên mê hoặc toàn thể thiên hạ ; nó bị tống xuống đất, và các Thiên Thần của nó cũng bị tống xuống với nó.”  (Kh12.7-9 ; xem thêm  2 Pr 2.4 ; Gioan 12.31; Luca 10.18)

Sau khi đã phản nghịch với Thiên Chúa, Satan và ác quỉ quyết phá hoại chương trình của Thiên Chúa, và đem lòng ghét ghen tìm mọi cách để giết và hủy diệt hạnh phúc loài người, như Thánh Kinh đã chỉ rõ:

Chính vì quỷ dữ ganh tị mà cái chết đã xâm nhập thế gian.” (Khôn ngoan 2.24; Sáng thế 3.1-19).

Nó bất kểqui luật bất khả xâm phạm và bất khả thâm nhập, bất kể tự do, tự chủ của con người, – nghĩa là bất kể họ có muốn hay không muốn – cứ xâm nhập đại, lúc thì tự dưng, lúc thì bằng các phương thế như bùa ngải của thầy bùa, thầy pháp, phù thủy… Nó giống như tên trộm, tên cướp, bất kể luật gia cư bất khả xâm phạm, cứ lẻn vào nhà người khác để lấy trộm đồ nọ vật kia.

Khi xâm nhập vào người ta, nó thường khôn khéo không bao giờ tự nhận mình là Satan hay ma quỉ, song mạo tên người nọ người kia, đức thánh nọ, bà chúa kia…, hay giả làm Thiên Thần, có khi nó còn dám giả danh Chúa, Đức Mẹ, để cho người đời đừng sợ và dễ tin nó ; nhiều khi nó còn nói ra những lời rất tốt lành, đạo đức, khuyên đọc kinh, lần hạt v.v…, hoặc nó thi ân giáng phúc, làm những dấu thiêng điềm lạ [5] khiến cho người ta nếu thiếu cảnh giác sẽ dễ bị xiêu lòng, bị phỉnh gạt, tưởng nó là ngôn sứ của Thiên Chúa.

Thánh Phaolô lật mặt nạ nó ra : “Lạ gì đâu ! Vì chính Xa-tan cũng đội lốt thiên thần sáng láng !” (Thư 2 Corintô 11.14). Chúa Giêsu còn cảnh cáo cách mạnh mẽ : “Nó đội lốt chiên mà đến với anh em; nhưng bên trong, nó là sói dữ tham mồi.” (Matthêu 7.15).

Muốn câu cá, chúng ta cũng thường che lưỡi câu sắc nhọn đen đủi đáng sợ bằng một mồi thơm ngon để dử thính… 

 Linh mục Gabriele Amorth, Nhà Trừ quỉ lừng danh của giáo phận Rôma, là vị Sáng Lập và cũng là vị Chủ Tịch danh dự của Hiệp Hội Quốc Tế của Những Chuyên Gia Trừ Quỷ (International Association of Exorcists), (Cha đã thực hiện hơn 20.000 – có nơi còn nói 70.000 – cuộc trừ quỉ trong suốt quãng đời 26 năm thi hành chức vụ đó của Cha - … Father Gabriele Amorth has carried out most of his 70,000 exorcisms over the past 26 years), trong cuốn “Nhà Trừ Quỉ Kể Truyện” (trang 38-39) cha dựa vào kinh nghiệm lâu đời lão luyện của cha mà viết cho ta biết rằng :

“Ngoài các Thiên Thần, không có thần lành nào khác nữa, và thần dữ thì chỉ có Quỉ mà thôi. Còn linh hồn những người chết, thì hai Công đồng của Giáo hội (Lyon và Florence) đã nói cho chúng ta rằng ngay sau khi chết, họ đi thẳng vào thiên đàng hoặc vào hỏa ngục hay luyện ngục. Như vậy, hồn người chết hiện diện trong buổi lên đồng, hoặc hồn người chết nhập (xác) vào người sống để hành hạ họ thì không là ai khác ngoài ma quỉ. Rất hiếm khi Thiên Chúa cho phép linh hồn (người chết) trở về trần gian…”

Hiểu như thế rồi, dưới đây xin mô tả đại khái một hình thức láo khoét đó của ma quỉ để chúng ta cảnh giác, đó là :

Hiện tượng “nhập xác” !

Một người, nam, nữ, già, trẻ bất kỳ … khi không lại bị một “ai đó” nhập vào trong mình, dùng miệng mình mà nói, tự xưng khi thì là một âm hồn bơ vơ, vất vưởng,[6] hoặc bị oan ức gì đó, có tên là T…, khi khác tự xưng là thai nhi bị phá thai, có trường hợp dám tự xưng là những nhân vật lớn hay thánh đức: “Đức Thánh nọ”, “Bà Chúa kia…” [7] (chúng tôi không tiện viết rõ ra đây); có lúc còn cả dám xưng mình: là “Cha”, hoặc “Ta là Đức Trinh Nữ Maria”, “Ta là Thánh Phêrô…”, “là Thiên Thần Micae…” v.v…; và nói trước tương lai cùng làm những việc kỳ lạ mà chính đương sự không làm chủ được.

Như thế đương sự trở thành nạn nhân của một sự xâm nhập bất hợp pháp, mất tự chủ và tự do, trong mình có hai người đang sống và hoạt động, nhiều khi ngược ý nhau…

Theo đúng bản chất, việc “nhập xác” đây là một hình thức của “quỷ nhập” (possession diabolique), nhưng thuộc loại nhẹ,[8] và rất tinh khôn, chứ không hung dữ đáng sợ như những trường hợp “quỉ nhập” chính thức, ví dụ như “Người quỷ ám xứ Ghêrasa” trong Tin Mừng Máccô, chương 5.

Thực hành cụ thể :

Dù nó mạo nhận là ai đi chăng nữa, thì hễ “nhập xác” bất hợp pháp,[9]  thì chắc chắn chỉ Satan và bè lũ ma quỉ bộ hạ của nó – vốn là thần linh hắc ám – mới làm. Nếu theo dõi những gì chúng tôi phân tích ở bài này, thì thấy rõ ngay.

Trong trường hợp này, đừng mắc lừa lời nó van xin mà Rửa Tội cho nó, nhưng nếu có khả năng, cứ trừ tà là tốt nhất.[10]

* * *

Chỉ vì không hiểu rõ những điều trình bày trên đây, nên mới có chuyện Rửa Tội cho âm hồn cần phải bàn giải dưới đây.

B/ : VẤN ĐỀ RỬA TỘI CHO ÂM HỒN.

Có một số người – trong đó có cả Linh Mục, Tu Sĩ – thi hành việc này, và còn công khai viết trên sách vở báo chí (chúng tôi đã được đọc) về việc rao giảng và Rửa tội cho âm hồn những người đã chết và nhập xác vào một người khác đang còn sống. Để làm việc ấy, hình như họ dựa vào đoạn thư 1 Phêrô 3.18-20 nói về Đức Giêsu phục sinh xuống “Ngục Tổ Tông” rao giảng cho các Thần Linh :

Ngài đã bị giết chết về xác thịt, nhưng đã được tác sinh về Thần Khí, nhân cơ hội đã đi rao giảng cho các thần linh trong ngục, cho những người bất phục xưa kia…”, cho nên ngày nay họ cũng theo gương Thầy Chí Thánh mà đi cứu các âm hồn “trong ngục”, tức là còn bị giam cầm hoặc vất vưởng đâu đó, chưa được giải thoát để được vào thiên đàng.

Bây giờ, chúng ta nghiên cứu đoạn Thánh Thư nói trên, mà họ viện ra để thi hành việc cứu âm hồn ấy, xem có đúng với ý nghĩa mà họ nghĩ không?

Đoạn thư Phêrô trên lấy lại một truyền tụng bình dân, theo kiểu nhân loại, về việc Chúa Giêsu trong ba ngày nằm dưới mồ “chờ” phục sinh, Người đi thăm Ngục Tổ Tông.[11] Nhưng nếu hiểu theo cách thần học, tức là theo cách nhìn mầu nhiệm của Thiên Chúa thì phải nói rằng: Ngay khi Đức Giêsu tắt thở trên Thập Giá, hoàn tất Tế Lễ Hi Sinh, vì vâng phục tuyệt đối ý Chúa Cha, thì Người đã được Chúa Cha cho sống lại vinh hiển ngay tức thời bởi Thần khí (“Người đã bị giết chết về phần xác, nhưng nhờ Thần Khí, Người đã được sống lại”, 1 Phêrô 3.18), và Người đã lên cùng Cha, ngự bên hữu Chúa Cha rồi, không cần phải “chờ” đến ngày thứ ba mới sống lại, và lại còn chính trong khi chờ ở đó mà Người đi thăm các người trong Ngục Tổ Tông.

Bằng chứng là Tin Mừng Gioan (19.30) viết : “Đức Giê-su nói : “Thế là đã hoàn tất !Rồi Người gục đầu xuống và trao ban Thần Khí.” Ngay lúc gục đầu tắt thở trên thập giá, Đức Giê-su đã trao ban Thánh Thần. Mà ban Thánh Thần là dấu Người đã được phục sinh và lên trời rồi, để lãnh Thánh Thần từ Chúa Cha mà ban xuống. Chính Thánh Phêrô đã giảng như thế : “Thiên Chúa Cha đã ra tay uy quyền nâng Người lên (trời, ngự bên hữu Chúa Cha), và trao cho Người Thánh Thần đã hứa, để Người đổ xuống : đó là điều anh em đang thấy đang nghe…” (Công vụ 2.33). Tin Mừng Gioan cũng cùng một ý khi luôn luôn cho biết : ngay cái chết thập giá đã là Giờ Đức Giêsu được tôn vinh và ban Sự sống (Gioan 3.14-15; 12.32; 13.31-32; 17.1,5) ; khi Người ra đi (chịu chết) là Người lên cùng Chúa Cha (Gioan 14.28; 16.17,28; 17.11,13).[12]

Thế là từ nơi vinh hiển ngự bên hữu Chúa Cha, Chúa Giêsu phục sinh chiếu tỏa ánh sáng xuống “ngục Tổ tông” (chứ Người đâu cần phải “đi” xuống nơi ấy!) cho hai hạng người : [13]

Hạng thứ 1/ Những người công chính đã chết. Ngài chiếu tỏa ánh sáng vinh quang Sự Sống Thần Linh xuống nơi mà các người công chính ngay lành vẫn ngóng chờ Ngài,[14] vì trước khi Chúa Giêsu lên cùng Chúa Cha, tức là vào Thiên Đàng, thì như thể cửa Thiên Đàng vẫn còn đóng kín. Được ánh sáng Chúa Phục Sinh chiếu tỏa, họ liền nhận biết Ngài là Chúa Tể và Đấng Cứu Độ của họ, và được theo Ngài vào Thiên Đàng, Ngài là Đấng Tiền Phong (Do Thái 6.20) vào trước để mở cửa cho mọi người từ đó được vào theo sau.

Hạng thứ 2/ Các âm hồn tội lỗi ngỗ nghịch (“những người bất phục xưa kia”), thì ánh sáng thần linh của Đức Kitô cũng chiếu dọi trên họ, (nói theo cách bình dân thì là Ngài cũng xuống Âm Phủ hay “Ngục Tổ Tông”) để rao giảng cho họ, không có chuyện họ ăn năn trở lại, vì họ đã chết trong tình trạng tội lỗi, nên không còn thay đổi được số phận nữa, nhưng cốt là để bắt họ phải thần phục cuộc vinh thắng và quyền Chúa Tể trên cả trời đất, Chúa kẻ chết cũng như người sống của Ngài (Matthêu 28.18; Thư Philiphê 2.10; Rôma 14.9) (xem TOB). Và họ bị bỏ lại trong tối tăm sự chết đời đời,

Sau khi đã hiểu rõ như trên, thì sẽ thấy : chỉ mình Chúa Giêsu phục sinh vinh hiển, Đấng duy nhất đã chết để chuộc tội và sống lại để ban sự sống, mới có quyềnxuống ngục Tổ Tông”,[15] nói khác đi, mới có thể chiếu ánh sáng vinh quang Sự Sống Thần Linh cho các linh hồn người công chính (Cựu Ước) mà mở cửa Trời cho họ được vào ! Còn ta là ai mà nghĩ mình có thể đi rao giảng và Rửa Tội cho “các thần linh trong ngục” để họ được cứu rỗi mà đưa họ vào Thiên Đàng ?

·                     Những người làm Phép Rửa cho các âm hồn nói trên, còn dựa vào đoạn 4.4-6 của Thánh Thư 1 Phêrô : “Và vì thế mà Tin Mừng đã được loan báo cho cả những kẻ chết…”. Hai đoạn Thánh Thư trên đây (1 Phêrô 3.18-20 và 4.4-6) có thể coi là cùng nói về một đề tài giống nhau (“rao giảng cho các thần linh trong ngục” không khác gì “loan báo Tin Mừng cho những kẻ chết”) và lời giải thích trên đây về đoạn 3.18-20 cũng áp dụng cho đoạn 4.4-6. Vậy theo gương Chúa Giêsu, họ cũng đi loan báo Tin Mừng cho những âm hồn (là những kẻ chết), và ban Phép Rửa Tội cho chúng để chúng được cứu rỗi.

Nhưng xem ra đoạn 4.4-6 này không có liên hệ hay lặp lại hoàn toàn đoạn 3.18-20 trên viết về việc Đức Giêsu xuống Ngục Tổ Tông, vì thuộc một mạch văn khác. Dễ dàng thấy đoạn 4.4-6 đây không nhấn mạnh về Đức Kitô “đã đi rao giảng các thần linh trong ngục…” (3.18-19), nhưng về “Đấng đã sẵn sàng phán xét người sống và kẻ chết” (4.5), tức là nói đến phán xét chung tận thời tận thế. Vì thế, có thể phải giải thích một cách khác với đoạn 3.18-20, vậy xin đề nghị giải thích dưới đây :

Trước hết hãy xem “kẻ sống và kẻ chết” trong mạch văn này có nghĩa gì, rồi xem “kẻ chết được loan báo Tin Mừng” là ai.

a)  Theo một trong những cách hiểu truyền thống trong Hội Thánh, mà đoạn thư 1Thexalonica 4.15-17 của Thánh Phaolô là tiêu biểu, thì “người sống” là những người còn sống trên trần khi Đức Giêsu Tái Lâm, còn “kẻ chết” là những người đã quá cố trước thời đó. Đoạn thư ấy của Thánh Phaolô viết rõ:

Đây điều chúng tôi dựa vào lời của Chúa mà nói với anh em : là chúng ta, những kẻ còn sống (sót lại) vào thời Quang lâm của Chúa, chúng ta sẽ không lấn trước những người đã an nghỉ. Bởi vì khi lệnh vang ra, …. thì từ trời chính Chúa sẽ ngự xuống, và những kẻ đã chết trong Đức Kitô sẽ sống lại trước, rồi chúng ta, những kẻ còn sống sót, chúng ta sẽ được quyện lên các tầng mây làm một với họ, đi đón Chúa trên làn khí. Và như vậy, chúng ta sẽ được ở với Chúa luôn mãi” (1 Thexalônica 4.15-17).

Hiểu như vậy, thì “những người còn sống” – mà Thánh Phaolô xưng là “chúng ta” – gồm có Ông và nhiều Kitô hữu đồng thời với Ông, hồi đó tin rằng sẽ còn sống lúc Chúa Quang Lâm (x. thêm 2 Corintô 5.2-4). Vì ông cũng như nhiều thành phần trong Hội Thánh sơ khai nghĩ rằng Quang Lâm sẽ đến cấp kỳ ngay trong thời của họ.

Còn “những kẻ chết” (“những người đã an nghỉ”) ấy là tất cả những người đã qua đời trước khi Chúa Giêsu quang lâm. Mà cụm từ “những kẻ chết” trước khi Chúa Giêsu quang lâm đó bao gồm cả chúng ta nữa, tuy hiện nay ta đang còn sống nhưng…. rồi sẽ chết trước khi Chúa quang lâm lúc tận thế. Vậy đối với lúc Chúa quang lâm, chúng ta cũng được coi là những “kẻ đã chết” (c.6).

 b)  Bây giờ bàn đến việc “kẻ đã chết” là ai mà cũng được loan báo Tin Mừng : Trên vừa nói, đối với lúc Chúa quang lâm, chúng ta cũng bị coi là những “kẻ đã chết”, nhưng thuở chúng ta còn sống trên trần gian, Tin Mừng quả thật đã được loan báo cho chúng ta. Nhưng vì chúng ta chết trước lúc Chúa quang lâm cho nên mới nói là “Tin Mừng đã được loan báo cho những kẻ chết”.

Và câu sau đó nói tiếp về việc phán xét : Vì chúng ta đã được loan báo Tin Mừng nên chúng ta “đã không sống trác táng” như người đời, cho nên đã bị người đời “buông lời phỉ báng” (c.4), thế là chúng ta bị phỉ báng oan ức, nói theo Thánh Thư là “bị phán xét về phần xác theo người ta(= theo cách nhìn của loài người)”(c.6). Nhưng “theo Thiên Chúa, thì ta được sống về Thần Khí” (c.6), nghĩa là nhờ bởi chúng ta được nghe loan báo Tin Mừng và tin theo, thì được Thần Khí tái sinh và ban cho ta sự sống của Thiên Chúa (Gioan 3.3,5; 5.24; Rôma 6.3-8…). Cho nên những kẻ phỉ báng chúng ta “sẽ phải trả lẽ với Đấng đã sẵn sàng phán xét người sống và kẻ chết” (c.5) tức là Đức Giêsu Kitô, trong cuộc Chung Thẩm của ngày Quang Lâm, Ngài sẽ phán xét chúng, và trả lại công bằng cho các tín đồ của Ngài đã bị phỉ báng oan ức.

Nếu hiểu rõ được ý nghĩa hai đoạn Thánh Thư này : “Rao giảng cho các thần linh trong ngục” và “Tin Mừng được loan báo cho kẻ chết” như trình bày trên đây, sẽ không ai còn đi loan báo Tin Mừng cứu rỗi và Rửa Tội cho những âm hồn nữa !

Đành rằng những người ấy có ý tốt, muốn cứu rỗi linh hồn người ta, nhưng ý tốt ấy lại vướng vào sai lầm, đi ngược với Kinh Thánh và Giáo Lý của Hội Thánh, khiến cho việc làm ấy của họ không những không hiệu quả, mà còn có nguy cơ làm cho người khác lầm tưởng rằng có thể thay đổi được số phận sau khi chết, dù cuộc sống của họ trước đó trên trần gian có bê bối, tội lỗi, thì sau khi chết, hiện về xin được Rửa Tội, mà lên Thiên Đàng.

Không được. Vì :

1. Kinh Thánh đã dạy rất rõ về số phận con người sau khi chết :

+  Đức Giêsu nói với môn đồ: “Bao lâu còn là ngày, ta phải lao công vào các việc của Đấng đã sai Thày, rồi đêm đến, bấy giờ không ai có thể làm công việc gì” (Gioan 9.4). Câu đó, Đức Giêsu ám chỉ trực tiếp về cuộc đời và hoạt động của Ngài, (lao công vào các việc của Đấng đã sai Thầy), nhưng cũng có thể hiểu rộng ra về đời sống chúng ta : Ngày là lúc ta còn sống. Đêm là lúc chết, không còn làm việc gì được nữa, có thể hiểu là không còn có thể lập công nghiệp được nữa, lúc sống thế nào, lúc chết giữ nguyên trạng như vậy để chịu phán xét, và tùy tình trạng tốt xấu, lành dữ mà được thưởng hay bị phạt.

+  Khi Đức Giêsu trình bày dụ ngôn người phú hộ và người ăn mày Ladarô, Ngài đã nói cho chúng ta về số phận ngay sau cái chết của hai người ấy (Mời đọc Luca 16.19tt):

Ladarô thì được lên dự tiệc nơi lòng Abraham tức là Thiên Đàng; ông phú hộ thì xuống Hỏa Ngục lửa cháy.

Điểm đáng chú ý : sự đối nghịch tuyệt đối giữa số phận của hai người là vấn đề chung quyết, không cách gì thay đổi được cũng như không thể trợ giúp nhau : “Giữa chúng ta và các ngươi đã cắt ngang định sẵn (tức là đã được ấn định cho luôn mãi) một vực thẳm, khiến cho từ bên này có ai muốn cũng không thể qua bên các ngươi, và từ bên ấy, người ta không sang đến được với chúng ta” (c.26).

+  Rồi, ta hẳn cũng còn nhớ đến lời hứa của Đức Giêsu với người trộm lành : bảo đảm chắc chắn là “chính hôm nay, anh sẽ ở cùng Ta trên Thiên Đàng”(Luca 23.43). Sau khi chết, số phận được định đoạt ngay cách dứt khoát.

+ Nhất là lời Kinh Thánh khẳng định sau đây:

Cũng một thể như số phận người ta là phải chết một lần và sau đó là phán xét, thì Đức Kitô cũng vậy, (chỉ) đã hiến dâng mình (chịu chết) một lần để cất tội lỗi của muôn người …” (Do Thái 9.27).

Nghĩa là người ta chỉ chết một lần mà thôi (không có chuyện luân hồi), và sau khi chết sẽ chịu phán xét định đoạt số phận vĩnh viễn đời đời, tuyệt đốikhông còn có thể làm gì mà thay đổi được nữa.

Ví dụ tưởng tượng sau đây sẽ cho thấy rõ điều đó : Giả sử người ta đưa đến cho ta một người, bị một âm hồn người ngoại đạo tội lỗi đã chết nhập xác vào họ, và âm hồn ấy lên tiếng xin Rửa Tội. Mà vì sau khi chết, linh hồn người ngoại đạo ấy bị phán xét của Thiên Chúa coi là kẻ tội lỗi, nên bị kết án sa Hỏa Ngục, vậy thử hỏi làm sao có ai lại dám đến rao giảng Tin Mừng và Rửa Tội cho âm hồn ấy, để nó được xá tội, nên công chính và được lên Thiên Đàng ? Làm như thế chẳng khác gì người ấy sửa lại phán xéttrước kia của Thiên Chúa, nếu chưa dám nói là Thiên Chúa đã phán xét sai. Nói như thế là lộng ngôn phạm thượng. Vì Thiên Chúa không bao giờ có thể sai lầm.

Chưa hết, việc làm đó còn đưa đến một hậu quả là sửa đổi được số phận sau khi chết của con người ! Mà nếu vậy, thì cuộc sống của con người trên trái đất sẽ chẳng còn có tính nghiêm nghị nữa. Chẳng ai dại gì mà phải sống khắc khổ, hy sinh, hãm mình, giữ luật Chúa ! Cứ tha hồ sống buông thả ăn chơi trác táng cho đã, vì sau khi chết vẫn còn cơ may hiện về xin được Rửa Tội và được cứu rỗi.

Không thể như thế được ! Hãy nhớ lại những lời Kinh Thánh đã dạy trên đây. Suy nghĩ càng thấy rất đúng, vì :

+ Thời gian sống trên trần gian của con người là thời thử thách, tập luyện và chuẩn bị họ sống tình thân nghĩa đời đời với Thiên Chúa là cứu cánh của đời họ ; trong thời gian đó con người có quyền tự do chọn lựa hoặc nhận tình thân nghĩa với Chúa, nói nôm na : sống trong ơn nghĩa Chúa, hoặc ngược lại khước từ, vứt bỏ nó mà sống theo sở thích đam mê tội lỗi.

+ Bao lâu con người còn sống trên dương gian, họ còn có khả năng thay đổi lập trường nói trên, ví dụ sau khi sống lầm lỗi, nhờ ơn Lòng Thương Xót Thiên Chúa, người ấy vẫn có thể ăn năn hối cải để hưởng lại tình thân nghĩa với Chúa.

   + Cái chết đến chấm dứt thời kỳ thử thách và chọn lựa ấy: con người được cố định vĩnh viễn đời đời trong thái độ thân nghĩa hay chối từ mà họ đã chọn lựa cách tự do.

2. Giáo Lý Hội Thánh cũng dạy gì về điều đó ?

Dựa vào lời Kinh Thánh, Giáo lý Hội Thánh cũng dạy một cách hết sức minh bạch : sau khi chết, số phận được định đoạt ngay tức khắc cho đến đời đời không thể còn thay đổi.

Lời của Công Đồng Lyon II, tức là lời tuyên bố của Hội Thánh, khẳng định điều ấy :

Linh hồn những kẻ chết đang trong tình trạng tội trọng (en état de péché mortel)...bị rơi xuống Hỏa Ngục ngay tức khắc sau khi chết, để chịu những hình phạt tương xứng với mỗi người”.[16]

+   Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo số 1021 dạy :

“Cái chết kết thúc đời sống con người, nghĩa là chấm dứt thời gian đón nhận hay chối bỏ ân sủng Thiên Chúa được bày tỏ trong Đức Kitô[17]. Khi đề cập đến phán xét, (tuy) Tân Ước chủ yếu nói về cuộc gặp gỡ chung cuộc với Đức Kitô trong ngày Quang Lâm (lúc tận thế), nhưng cũng nhiều lần khẳng định có sự thưởng phạt tức khắc ngay sau khi chết, tùy theo công việc và đức tin của mỗi người. Dụ ngôn về người nghèo khó Ladarô và lời Đức Giêsu trên Thập Giá nói với người trộm lành (trên đây đã trưng dẫn), cũng như nhiều đoạn khác của Tân Ước[18], nói đến số phận rất khác nhau của từng người[19] :

Ngay khi lìa khỏi xác, linh hồn bất tử sẽ chịu phán xét riêng để được thưởng hay bị phạt đời đời; tùy theo đời sống (trước kia của mình trên dương gian) trong tương quan (tốt hay xấu) với Đức Kitô mà linh hồn :

a) “hoặc được hưởng phúc trên Trời ;

 

 

 

 

 

 

 

 

 

b) hoặc sa hỏa ngục vĩnh viễn [20]

 

 

           

 

 

 

 

c) hoặc phải trải qua một thời gian thanh luyện” (ở nơi gọi là Luyện ngục – xem Hình bên trái)

- Do đó, căn cứ theo Kinh Thánh, Công Đồng và Giáo Lý Công Giáo nêu trên, sau khi chết mỗi người đều bị phán xét, tức khắc số phận được cố định vĩnh viễn đời đời, và tùy theo tội phúc mà đi vào chốn dành cho mình rồi, sao còn có thể có cô hồn nào bơ vơ vất vưởng đi lang thang đây đó quậy phá được nữa, và làm gì còn được trở về thế gian để xin được Rửa Tội làm thay đổi số phận cho họ ? Làm gì có chuyện người ta (cách riêng những người quá nhạy cảm và giàu tưởng tượng…) cứ nói là thấy hay là mơ thấy các hồn hiện về hoài hoài… [21] Nếu họ thực sự hiểu Giáo Lý của Chúa và Hội Thánh nói trên, chắc sẽ không còn xảy những chuyện tưởng tượng ấy mấy nữa !

- Còn xét theo qui luật phụng vụ về Bí Tích thì thấy qui định rằng : Rửa Tội là rửa cho người đang sống để họ được sạch tội lỗi và khởi sự sống đời làm con cái Thiên Chúa, chứ không ai đi Rửa Tội cho người đã chết, tức là đã chịu phán xét riêng và đi vào nơi đã dành sẵn cho họ rồi. Mặt khác, Rửa Tội là phải đổ nước trên đương sự và đọc lời “Ta rửa con (tên thánh X…) nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”. Dĩ chí khi xảy thai, muốn Rửa Tội cho thai nhi đó, thì cũng phải dội nước trên hình hài còn bất toàn của nó. Vậy thì trong trường hợp âm hồn không có thể xác thì dội nước vào đâu ? Nếu dội vào người đang bị nó nhập xác, thì đâu có phải là thể xác của nó ?

Tóm lại, việc rao giảng cho các âm hồn và Rửa tội cho chúng được thay đổi số phận như nói trên, là việc mê tín dị đoan do ác thần tức ma quỉ bày ra, cho nên khi ai tham gia vào – dù có lẽ vì ý ngay lành và vô tình không biết – là đã nhúng tay vào trò chơi của ma quỉ, dây mình vào việc của nó bày đặt ra, với hậu quả tai hại không lường trước được…

Ước mong các Đấng Bản Quyền trong Giáo Hội Việt Nam nghiên cứu kỹ lưỡng và đưa ra những chỉ thị rõ ràng, những biện pháp cụ thể để xử lý những việc nói trên, hầu cho bổn đạo được yên tâm, không còn hoang mang, xao  xuyến…

 

ššX››

 

BÀI ĐỌC THÊM :

RỬA TỘI CHO NGƯỜI CHẾT ?

Để độc giả thêm xác tín, xin giới thiệu một bài khác của Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn,

cùng một đề tài với bài trên đây của chúng tôi.

- Lấy từ mạng www.Memaria.org

 

Hỏi : Đang có một Linh Mục công khai loan truyền việc Rửa Tội cho người chết hiện về..., xin Cha cho biết có Giáo Lý nào nói về việc này không ?

Trả lời : Xưa nay ở khắp nơi, người ta đã nói nhiều về những hiện tượng như người chết hiện về trong giấc mơ hay trong thực tế để xin điều này, cảnh cáo việc kia hay (cảnh cáo) người khác còn sống. Người ta cũng kể những truyện kinh hoàng về ma quái hiện ra để nhát người sống, hoặc phá phách khiến nhiều người không dám ở trong những căn nhà nơi có xảy ra những hiện tượng quá bất thường này.

Tuy nhiên, trước những sự kiện đó, Giáo Hội không chính thức đưa ra một giáo lý nào để giải thích và áp dụng, mà vẫn giữ thái độ im lặng cho đến nay. Các Linh Mục chỉ khuyên giáo dân dùng nước phép để vẩy trong nhà hay xin làm phép nhà mà thôi. Dầu vậy, riêng trường hợp những người được coi là bị “tà thần hay quỷ ám công khai” (publicly possessed), thì Giáo Hội vẫn xử dụng biện pháp gọi là trừ quỉ (exorcism), để giúp những nạn nhân này được bình an trở lại. Vì thế, ở mỗi Giáo Phận, một hay vài Linh Mục nào đó được Giám Mục chỉ định cho làm việc này, và chỉ các Linh Mục này được phép “trừ quỷ” mà thôi.

Như thế cho thấy là thực tế có hiện tượng ma quỷ phá phách mà Giáo Hội phải quan tâm, ngoài niềm tin là có “ma quỷ, địch thù của anh em, như sư tử gầm thét rảo quanh tìm mồi cắn xé” để cám dỗ con người phạm tội nghịch cùng Thiên Chúa như Thánh Phêrô đã cảnh giác (x. 1 Phêrô 5:8).

Nhưng nếu ai nói rằng linh hồn người nào đó đã chết hiện về để xin Rửa Tội, và từ đây (họ) muốn dạy (việc đó như một) Giáo Lý cho người ta về phép Rửa dành cho người chết, thì đó hoàn toàn là điều tưởng tượng hoang đường, nếu không muốn nói là lạc giáo (heresy) vì không có căn bản tín lý, giáo lý, thần học nào của Giáo Hội về việc này.

Tôi quả quyết như vậy, vì những lý do sau đây :

Trước hết, Giáo Hội không tin và không dạy chúng ta tin về điều được gọi là “luân hồi” (reincarnation). Đây là niềm tin của tôn giáo khác và chúng ta tôn trọng niềm tin của tôn giáo này. Nhưng là tín hữu Chúa Kitô trong Giáo Hội Công Giáo, chúng ta không được tin điều này vì Giáo Hội đã dạy như sau về số phận con người ngay sau khi chết :

Mỗi người lãnh nhận trong linh hồn bất tử của mình phần trả công đời đời cho mình ngay sau khi chết trong một cuộc phán xét riêng, chiếu theo cuộc sống của mình (đã) hướng về Chúa Kitô (hay không), để hoặc sẽ trải qua một sự thanh luyện, hoặc lập tức bước vào hưởng diễm phúc Thiên Đàng, hoặc lập tức bị án phạt đời đời” (x. Sách Giáo Lý Hội Thánh Công giáo, số 1022)

Như thế có nghĩa là một người sau khi chết sẽ tức khắc chịu phán xét riêng để :

1.          hoặc phải được thanh luyện thêm ở nơi gọi là “Luyện Tội” (purgatory) một thời gian dài, ngắn tùy sự công bằng và lòng nhân ái của Chúa đòi hỏi.

2.          hoặc được vào thẳng Thiên Đàng để vui hưởng Thánh Nhan Chúa vì đã tốt lành đủ sau khi chết.

3.          hoặc phải chịu án phạt đời đời trong nơi gọi là Hỏa Ngục vì đã hoàn toàn khước từ Chúa và tình thương của Ngài cho đến phút chót trước khi chết. (x. Sđd, số 1033-34)

Như vậy, làm gì còn trường hợp nào linh hồn được trở về thế gian để xin Rửa Tội nữa ?

Vả lại, mặc dù phép Rửa rất cần thiết để được cứu độ như Chúa Giêsu đã dạy (x. Gioan 5:3; Máccô 16:16; Matthêu 28:19), nhưng chúng ta đừng quên hai điều rất quan trọng sau đây:

Trước tiên, Rửa Tội là cần thiết, nhưng cần hơn nữa là phải sống những cam kết khi lãnh Bí Tích này (baptismal promises). Đó là yêu mến Chúa trên hết mọi sự và yêu anh em như chính mình. Phải từ bỏ ma quỉ và xa lánh mọi tội lỗi để sống theo đường lối của Chúa vì “không phải bất cứ ai thưa với Thầy: lạy Chúa, lạy Chúa là được vào Nước Trời cả đâu. Nhưng chỉ những ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi.” (Matthêu 7:21). Nói khác đi, không phải cứ Rửa Tội thôi là được cứu rỗi, không cần phải làm gì nữa. Ngược lại, nếu không sống những đòi hỏi trên của phép Rửa, thì Rửa Tội rồi cũng vô ích mà thôi. Chắc chắn như vậy, vì phép Rửa nguyên mình nó không phải là Giấy Thông Hành (Passport) cho ai để đi thẳng lên Trời mà không cần bất cứ thủ tục nào khác nữa.

Thứ đến, với những người chết đi mà không được Rửa Tội, Giáo Hội vẫn tin tưởng là họ có thể được cứu rỗi nếu đó không phải là lỗi của họ qua lời dạy Giáo Lý và Tín Lý sau đây :

Đúng thế, những người không do lỗi của mình mà không biết đến Phúc Âm của Chúa Kitô và Giáo Hội của Ngài, nhưng thành tâm tìm kiếm Thiên Chúa và nhờ ơn sủng của Ngài mà hành động để làm trọn Thánh Ý Ngài, theo như lương tâm mặc khải cho họ và truyền dạy họ thì những người đó có thể đạt tới ơn cứu độ muôn đời.” (x. Sđd, số 847; Lumen Gentium, số 16).

Như thế rõ ràng cho thấy là những người đã chết mà không được chịu Phép Rửa Tội, vẫn có thể được cứu rỗi, nếu họ đã sống đúng với tinh thần Giáo Lý nói trên đây. Ngược lại, nếu đã không sống đúng với tinh thần đó hay đã không thực hành những cam kết khi được Rửa Tội thì dù có được Rửa rồi cũng vô ích mà thôi.

Phép Rửa chỉ là khởi đầu cần thiết cho một tiến trình hoán cải (conversion) nội tâm để nên Thánh và được cứu độ. Nhưng phép Rửa không bảo đảm cho ai được thoát khỏi mọi nguy cơ phạm tội cá nhân sau khi được Rửa Tội, vì bản chất con người còn yếu đuối, cộng thêm ý chí tự do (freewill) mà Thiên Chúa luôn tôn trọng cho con người xử dụng bao lâu còn sống trên đời này.

Vì thế, nếu không có thiện chí cộng tác với ơn Chúa, để sống những cam kết của Bí Tích Rửa Tội, thì Chúa không thể cứu ai được. Chính vì biết thực trạng con người vẫn hoàn toàn yếu đuối sau khi được Rửa Tội, cộng thêm nguy cơ cám dỗ của ma quỉ và gương xấu của thế gian, mà Chúa Giêsu đã lập thêm các Bí Tích cần thiết khác như Thêm Sức, Thánh Thể và Hòa Giải, để giúp con người được bổ sức mà tiến bước trên đường thánh hóa, cũng như lấy lại ơn Chúa sau khi lỡ sa phạm tội vì yếu đuối. Vậy nếu chỉ cần Rửa Tội là được cứu độ thì Chúa Giêsu lập thêm các Bí Tích kia làm gì nữa ?

Như thế, người chết không cần hiện về để xin chịu Phép Rửa Tội qua trung gian của ai nữa, vì đã quá muộn để làm việc này. Chủ trương ngược lại thì :

Điều này hoàn toàn huyền hoặc và lạc giáo vì không có chút căn bản thần học và tín lý nào hết. Chắc chắn như vậy.

Tuy nhiên, giả sử chuyện “hiện về” này thực sự có xẩy ra cho một cá nhân nào, nghĩa là có ai mơ gặp người chết về xin Rửa tội, thì đó chỉ là kinh nghiệm riêng tư rất cá biệt của người ấy mà thôi. Nhưng chắc chắn kinh nghiệm này không thể là kinh nghiệm phổ quát có giá trị Giáo Lý để kêu gọi người khác tin và thực hành được.

Chúng ta cũng nên nhớ là Chúa Giêsu đã sinh xuống thế và chết cách nay chỉ mới 2000 năm. Giáo Hội cũng chỉ mới thi hành việc Rửa Tội từ sau ngày Chúa về Trời, cách nay cũng chưa được 2000 năm. Trong khi thực tế là số người đã sinh ra và chết đi trước Chúa Giêsu ra đời thì không biết là bao ngàn triệu con người. Những người này không biết Chúa Kitô và không chịu Phép Rửa. Vậy nếu “huyền thoại” nói trên (âm hồn hiện về xin Rửa Tội) mà đúng và cần thực hành thì tất cả những người đã chết đều phải hiện về hết để xin Rửa Tội. Khi đó, chắc chắn Giáo Hội sẽ không thể có đủ thì giờ và huy động đủ thừa tác viên và người trung gian đỡ đầu để Rửa Tội hết cho bao ngàn triệu sinh linh ấy được !

Thiên Chúa là tình thương nhưng cũng rất mực công bằng. Ngài không thể thiên vị ai trong việc cứu độ. Vậy nếu phép Rửa là điều kiện duy nhất bắt buộc đối với mọi linh hồn để được cứu rỗi, thì điều kiện này cũng phải áp dụng cho hết mọi linh hồn đã không được Rửa tội khi còn sống trong thân xác ở đời này. Chứ Chúa không thể ưu tiên cho linh hồn này trở về xin Phép Rửa, mà lại không cho các linh hồn khác được về vì nhu cầu tối cần thiết này. Nếu quả thật có như vậy, chúng ta không cần để ý đến lời dạy Giáo Lý trên đây của Giáo Hội nữa vì không đúng thực tế.

Ấy là chưa nói đến mối nguy cơ lợi dụng của những người còn sống, vì chắc chắn sẽ có những người nghĩ rằng Rửa Tội trước khi chết là thiệt. Dại gì mà xin Rửa Tội, cứ sống và ăn chơi cho phỉ chí, chẳng cần bận tâm đến những răn đe về luân lý và đạo đức cho mệt. Cứ sống theo sở thích rồi sau khi chết, sẽ hiện về xin Rửa Tội để đươc tha hết một lần mọi tội, tội cá nhân và tội Tổ Tông. Như thế sẽ nắm chắc phần rỗi hơn, vì chết rồi thì không còn thì giờ và nguy cơ để phạm tội thêm nữa, như những người đã Rửa Tội và đang còn sống trên trần gian này !

Nhưng ai dám tin và dạy cho người khác tin điều quái đản này ?

Có chăng chỉ có người vô tình hay cố ý coi thường Giáo Lý và Thần Học Tín Lý của Giáo Hội, nên đã tự ý đưa ra giả thuyết hoang đường để hướng dẫn sai lầm người khác mà thôi !

Tóm lại, chúng ta không được tin và thực hành những gì Giáo Hội không dạy về Tín Lý, Giáo Lý và Luân Lý, nếu chúng ta muốn coi Giáo Hội là Mẹ thay mặt Chúa là Cha trong trách nhiệm dạy dỗ và hướng dẫn chúng ta sống đức tin trong cuộc lữ hành này.

 

ššX››

 

PHẦN (II)  

VĂN KIỆN VỀ MÊ TÍN ĐỊ ĐOAN CỦA HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC MIỀN CAMPANI, ITALIA

 (Nguồn: Documentation Catholique số 2122, 17-09-1995)

(Chuyển ý, sắp xếp lại và thêm đôi câu cho dễ hiểu)

Đặc biệt, xin giới thiệu Văn Kiện này, vì thấy ở đấy phân tích rõ ràng các loại mê tín dị đoan, ma thuật cũng như thờ Satan, và những tác hại của chúng, và nhất là đưa ra đường hướng mục vụ, để vô hiệu hóa các sai lạc đó và củng cố đức tin của các Kitô hữu.

Một Giáo Hội toàn tòng theo Chúa từ thế kỷ I cho đến bây giờ, là Kinh đô của Công giáo, mà còn bị tràn ngập bởi làn sóng mê tín dị đoan kinh hồn như vậy, còn nói gì đến Giáo Hội Việt Nam, sống giữa 90% ngoại giáo mà mê tín dị đoan là cơm bữa, thì các vị chủ chăn chẳng phải nên lưu ý hơn về vấn đề này sao ?

MÊ TÍN DỊ ĐOAN, MA THUẬT, TÔN THỜ SATAN

   NHẬP ĐỀ.

Trách nhiệm dẫn dắt dân Thiên Chúa và loan báo Tin Mừng khiến chúng tôi luôn luôn kinh nghiệm được sự phong phú của Lời Thiên Chúa qua việc rao giảng. Lời ấy tạo nên niềm tin trong lòng người ta, và làm nảy sinh những chứng nhân cho Danh Đức Giêsu, Đấng Cứu Thế. Với cương vị Giám Mục, được trao phó phận sự coi sóc các Hội Thánh địa phương miền Campani, chúng tôi cảm thấy có trách nhiệm canh giữ đàn chiên Chúa, và đề phòng cho họ trước những trào lưu tư tưởng và những lối hành đạo có xu hướng làm giảm suy hoặc ngay cả làm triệt tiêu niềm tin Kitô Giáo, bởi vì đem thay thế vào đó những điều khiến họ lìa xa Đức Kitô và Hội Thánh của Ngài.

Hiện tượng ma thuật. Đặc biệt, chúng tôi lưu ý và bận tâm đến sự vùng dậy khá mãnh liệt của những thói thực hành ma thuật. Nhờ những cuộc điều tra mới đây, chúng tôi biết được hiện tượng nói trên đang lan tràn rộng rãi trong nước hay ngoài nước.

Con số đáng kinh hoàng. Những người Ý đặt tin tưởng vào đó hoặc thường cậy nhờ các tay pháp sư, có thể lên tới hàng triệu. Sau khi kiểm tra tất cả những pháp sư và thân chủ của họ, người ta thống kê được một con số thật đáng kinh hoàng.

Nguyên nhân của những lầm lạc trong những lãnh vực ấy, chắc chắn là vì người ta thiếu hiểu biết giáo lý của Đạo ta.

Sự lây lan. Những lầm lạc đáng buồn đó, tiếc thay, đã lây lan nơi người trẻ cũng như người già, cả nơi những người có học thức ít nhiều, và thấy cả ở nơi những tín hữu siêng năng đi nhà thờ. Một số là thân chủ thường xuyên của những thày bói, thầy pháp, thày xem tử vi tướng số, xem chỉ tay và những “nhà linh thị” hay "thấu thị”.

Họ kiếm tìm điều gì ? Họ đến nhờ những người ấy để mong được giải đáp những vấn đề lớn của cuộc đời, cũng như để giải quyết những vấn đề bé nhỏ của cuộc sống hằng ngày, về tiền bạc, về công ăn việc làm, tình yêu, thành đạt..., với mong ước thấy trước tương lai vận mệnh để khỏi lo phải gặp quá nhiều rủi ro.

Thêm hiện tượng các giáo phái. Còn nữa, chỉ mới vào những thập niên mới đây, trong nước Ý, thấy phát triển một hiện tượng gọi là “những niềm tin mới”, hoặc như người ta thường gọi “những Phong Trào” hay “những Giáo Phái mới”. Rất nhiều anh chị em tín hữu chúng ta đã gia nhập vào đó, họ liều mình từ bỏ đức tin Kitô Giáo và tìm kiếm ở những phong trào đó tình liên đới và hương vị tình yêu huynh đệ mặn nồng...

Hội Đồng Giám Mục Ý đã có một thông báo năm 1993 nhằm lưu ý chúng ta về biến cố đó đây, xin trích một đoạn :

“Hiện tượng các giáo phái, các phong trào tôn giáo mới và các khuynh hướng hòa đồng tôn giáo mà chúng chủ trương, thường được kết hợp với xu thế tương đối hóamọi chuyện[22] mà xã hội chúng ta ngày nay rất ưa thích, hiện tượng ấy phải nhắc nhở cho mọi Kitô hữu, cách riêng những ai có trách nhiệm hướng dẫn hay giảng dạy trong cộng đồng Hội Thánh như Giám mục, Linh mục, Phó tế, thần học gia và giáo lý viên, là họ có bổn phận tuyên xưng, làm chứng tá và loan báo chân lý Kitô giáo một cách xác thực và toàn vẹn” (Thông báo, số 18).

* * * * * *

NỘI DUNG VĂN KIỆN CỦA CHÚNG TÔI :

Văn kiện này gửi đến các Linh Mục, Phó Tế, giáo lý viên và nói chung đến tất cả những ai làm mục vụ trong các cộng đoàn, với mong muốn lôi kéo các cộng đoàn chúng ta lưu ý đến một hiện tượng phức tạp và phổ biến khắp nơi. Vậy :

Trong đoạn thứ nhất sẽ đưa ra vài tiêu chuẩn để đánh giá sự mê tín dị đoan, ma thuật và tôn sùng ma quỉ ;

Trong đoạn thứ hai muốn đưa ra những lý do chống mọi hình thức thực hành thuật huyền bí, kèm với vài nhắc nhở về Luật Lệ.

Trong đoạn thứ ba, chỉ đạo một vài đường hướng hoạt động mục vụ để đối phó.

Trong đoạn cuối, chúng ta cũng học hỏi hành động mục vụ của Giáo Hội qua Nghi Thức Trừ Quỉ, là quyền năng của Giáo Hội do Đức Kitô Phục Sinh ban cho, để mở rộng Nước Chân Lý và Sự Sống của Ngài ra khắp thế giới.

Đứng trong bối cảnh nỗ lực Phúc Âm Hóa, thăng tiến nhân loại, chúng tôi mong muốn tất cả cùng nhau đạt tới một lối sống Kitô Giáo trưởng thành và vui tươi trong niềm tin, bằng cách chìa tay nâng đỡ, với tình huynh đệ, những phần tử yếu đuối hơn cả trong các giáo đoàn, họ là những kẻ bị thử thách bởi các đau khổ đang xâu xé họ, đàng khác, họ chỉ có một vốn liếng các nguyên tắc luân lý rất thô sơ, và họ không được vững chân trong chân lý đức tin.

Chính cho những anh chị em ấy trước tiên, mà chúng ta muốn làm họ kinh nghiệm được : Hội Thánh là dụng cụ và dấu hiệu của ơn cứu độ cho thế giới và cho hết mọi người như thế nào. [23]

* * * * * *

ĐOẠN THỨ NHẤT

MÊ TÍN DỊ ĐOAN VÀ MÔN HUYỀN BÍ (occultisme)

Chẳng mấy khó khăn mới nhận định được rằng : những lệch lạc thông thường nhất nơi dân chúng về tâm tình tôn giáo đúng đắn, thường thường thuộc loại “tin quá hóa mê tín” : đức tin Kitô Giáo chính thống bị hao mòn, nhất là điểm quyền Chúa Tể của Đức Chúa độc nhất - mà Thiên Chúa đã mặc khải cho dân Người - đã bị lu mờ đi. Dù người ta không chính thức chối quyền Chúa Tể của Thiên Chúa, thực tế người ta đã làm rỗng tuếch chân lý ấy bằng cách đặt bên cạnh quyền đó những tạo vật và những “quyền lực” chiếm chỗ quyền đó, hoặc đứng bên mà thay phiên cho quyền đó.

- Thường những người thực hành thuật huyền bí[24] ra sức thiết lập những giây liên hệ giữa những thực hành môn huyền bí ấy với khoa học, như y học, thiên văn học, tâm lý học, tâm lý trị liệu và những quyền lực ngoại thường, siêu nhiên... Những môn vừa nêu trên, (mà khuôn khổ eo hẹp của văn kiện này không cho phép chúng tôi đề cập), có công dụng làm cho thuật huyền bí thêm hấp dẫn và khoác cho nó một tính “khả kính” trước mắt quần chúng. Thực ra cái tính khả kính này chỉ dành riêng cho những khoa học thực nghiệm.

Dưới đây, xin vắn tắt nhắc lại những hình thức gây hư hoại đức tin Kitô giáo cách phổ thông nhất. Chúng ta sẽ trình bày chúng theo thế tiệm tiến từ nhỏ tới lớn, từ ít tới nhiều về hậu quả nguy hại và về tầm quan trọng của chúng đối với người tín hữu.

A.  MÊ TÍN, DỊ ĐOAN

Mê tín, dị đoan là tin rằng trong các sự vật vật chất có chứa chấp những quyền lực siêu phàm :

Mặt trời với sức nóng thiêu đốt được coi là Thần Thái Dương, sấm sét kinh hoàng được coi là Ông Thiên Lôi (xem hình bên), trên rừng có Sơn Thần, dưới biển có Thủy Thần, và dưới sông thì có Hà Bá ; loài mãnh hổ được coi là Ông Ba Mươi ; cá voi được coi là Cá Ông và còn được truy tặng danh hiệu là “Nam Hải Đại Tướng Quân”, v.v…[25]

Một khi những mãnh lực ấy được phong thần và được nhìn nhận, người ta lo dâng lễ vật và cúng tế, v.v… sao cho “các Ngài” nguôi giận, ban phúc chứ đừng gây họa cho mình.

Những tay chủ chốt. Và tức thì có một số người đứng ra nhận mình có khả năng đạt được hoặc làm chủ được các quyền lực đó : họ là những pháp sư, chiêm tinh gia, bói bài, thày tướng số, xem chỉ tay... Những người mê tín đến cậy nhờ họ cầu khấn cho, để được bảo vệ khỏi nghịch cảnh, tai họa ; được trợ giúp hay ban lộc để cá nhân mình được bảo đảm an ninh ; hoặc được cấp những phương thế để làm ăn phát tài, sinh kế thuận lợi, dễ dàng, sung sướng; hoặc được biết về tương lai hậu vận kiết hung (“kiết” là may mắn ; “hung” là tai họa).

B.  MA THUẬT

Đây là một thực hành có nghi thức hẳn hoi : nhờ đó, người ta nghĩ có thể làm chủ được những quyền lực thần bí để sử dụng chúng làm tay sai cho mình, và có một quyền lực siêu phàm để khống chế trên người khác.

Mặc nhiều hình thức. Ma thuật mặc nhiều hình thức khác nhau và có thể nhắm những mục đích khác nhau. Song tất cả các hình thức ấy đều có chung với nhau điểm này : đó là niềm tin có những quyền lực huyền bí tác động trên đời sống con người ; và tay phù thủy hay pháp sư (nói chung người sử dụng môn pháp thuật) cho mình có khả năng điều khiển các quyền lực huyền bí ấy, nhờ cử hành những nghi thức có sức phát sinh tức khắc những hiệu quả.

Đôi khi có thấy những tay pháp sư ấy cầu khấn thần thánh, (cả cầu Chúa, Mẹ), nhưng cái đó chỉ là mầu mè giả bộ để phỉnh gạt (cách riêng những người Công Giáo nhẹ dạ dễ tin), nó hoàn toàn phụ thuộc vào cái chính là nhằm đoạt được các quyền lực và những hiệu quả mà họ mong muốn.

Quyền lực của nó. Ma thuật không nhìn nhận có quyền bính nào trên nó, - tuy nhìn nhận có kẻ cao tay ấn hơn - vì nó quả quyết nó có thể điều khiển được âm binh, thần tướng hay ngay cả quỉ thần, khi nó bắt chúng xuất hiện và thi hành những hiệu lịnh nó sai khiến.

Nguyên nhân. Sở dĩ có việc thực hành ma thuật, là vì người ta tin rằng có những quyền lực huyền bí, siêu phàm, vốn có sức chi phối hay tác động trên đời sống con người, hoặc trên các biến cố của lịch sử và của cả vũ trụ ; và nghĩ rằng loài người có thể làm chủ hay điều khiển những quyền lực huyền bí siêu phàm ấy.

Những tay chủ chốt. Là pháp sư, phù thủy, thày tướng số, đồng cốt, chiêm tinh gia, nhà ngoại cảm... Người đời nhìn nhận hay họ tự xưng mình có căn trời chỉ định để cứu nhân độ thế, chữa bệnh bá tính, có cả những quyền uy siêu phàm điều khiển được âm binh thần tướng hay âm hồn ác quái ; có thể can thiệp vào cuộc vận hành của các việc trong đời, mà thay đổi theo ý mong muốn của thân chủ, nhờ thi hành những nghi thức như cúng tế, ngồi đồng, bóng ốp, ấn quyết, phù chú, phù phép, vẽ bùa, cho uống tàn hương, nước thải...[26]

Phân chia ma thuật ra làm 3 loại :

   a/         Ma thuật trắng

   Là một nghi thức nhằm cầu lợi cho mình, cho sức khoẻ, lúc thai nghén, công ăn việc làm, học hành thi cử, chơi bài bạc, đánh cá cược, tình duyên, đời sống gia đình, việc buôn bán, nuôi súc vật, v.v... Người ta tin rằng nghi thức ấy có hiệu lực để trấn áp rủi ro, trừ hung, tạo cát (= trừ tai họa, tạo may mắn), phá bùa ngải, thư ếm, giúp những người nghiện ngập ma túy hay rượu chè cai nghiện, giúp mình tránh khỏi người hãm hại, ghen ghét, đàm tiếu, vu khống, nói xấu, v.v... và ngay cả trấn áp ma quỉ, trừ tà, khử những tiếng động kỳ dị quấy nhiễu nhà mình ở, v.v...

   b/         Ma thuật đỏ

   Được sử dụng riêng cho phạm vi tính dục mà thôi. Nó nhằm chinh phục cho được đối tượng họ si mê. “Bùa yêu” của phù thủy cho có thể làm hai người dù lãnh đạm với nhau cũng phải yêu nhau, hoặc làm cho người yêu đã bỏ mình (hoặc chồng mê vợ bé) phải trở lại với mình, hoặc người kia phải làm đám cưới với mình chứ không với người khác ; hoặc kích thích tình dục giữa hai vợ chồng, giữa hai người đính hôn hay giữa hai người đồng tính...

   c/         Ma thuật đen

   Được sử dụng để làm hại người khác : - luyện âm binh thần tướng hay âm hồn ác quái (xem hình) để làm hại cho kẻ thù, gây rối loạn tâm thần nơi tình địch; - nuôi và bỏ bùa ngải[27] để gây mê mẩn hóa rồ hóa dại; hoặc làm cho mình biết đối phương đang mưu tính điều gì bởi ghen ghét mình; hoặc để thay đổi vận số đen bạc mà người khác đang ếm mình; để gây những khó khăn trở ngại trong vụ kiện tụng người ta khởi tố mình; để thư ếm gây bệnh tật hay tử vong cho người khác...

Những nghi thức phù phép đó, các thân chủ có thể nhờ pháp sư hay cũng có thể tự mình làm lấy bằng cách sắm những “dụng cụ” và niệm “những thần chú” thích hợp. Dù cách nào, thì đeo đuổi những điều ấy phải tốn kém tiền bạc khá nhiều. Ở bên Ý, tiền chi ra có thể từ mấy ngàn “đồng lia” (tiền nước Ý) đến hàng chục triệu, tùy trường hợp.

C.  BÓI TOÁN

Việc thực hành bói toán cũng rất phổ biến, tức là tìm cách đoán được tương lai hậu vận nhờ xem các dấu hiệu rút ra từ các vật trong thiên nhiên (như xem chỉ tay, tướng số, tử vi, bói bài, bói rùa, bói chân gà, v.v...) ; hoặc giải thích những điềm hung cát nhờ chạy đến thày tướng số, thày xem số tử vi, chiêm tinh gia, thày xem chỉ tay, vv...[28]; hoặc chạy đến những người mà mình nghĩ là có thể tiết lộ, hay “mặc khải” thiên cơ bí mật về tương lai nhờ những đặc tính hay quan năng siêu phàm thấu nhìn số mệnh...

Có nhiều người trước khi làm một việc gì hơi quan trọng như một cuộc hành trình xa, mở tiệm làm ăn buôn bán, hoặc cần chọn một quyết định gì (cho gia đình, nghề nghiệp, công chuyện làm ăn...), đều đi hỏi thày bói, pháp sư, hay thày tướng số tử vi...

Thuật chiêu hồn hay thông linh. Là một hình thức trầm trọng hơn nữa, người ta sử dụng thuật này nhờ đồng cốt hoặc những người có “ngoại cảm” siêu nhậy, và ngay cả nhờ Satan, ma quỉ… để có thể giao tiếp, đối đáp với âm hồn, qua những phương thức như cầu cơ (xem hình bên), bàn xoay, “giáng bút”[29] v.v.., và nhận những “thông điệp” từ cõi âm được truyền về cho người ta.

Thường thấy có những hội kín của đạo bí truyền hay huyền bí, tụ tập các tín đồ để cử hành những cuộc họp thông linh (chiêu hồn) vào từng thời buổi nhất định.

- Phải nghĩ sao về các việc bói toán, lá số tử vi, xem chỉ tay, đoán mệnh, bói quẻ, xin xăm, ngồi đồng bóng, cầu cơ, v.v... nói trên ?

Đáp : “Đằng sau tất cả những việc thực hành ấy, có che giấu một ý muốn bá quyền, nắm bắt thời thế, làm chủ trên dòng lịch sử và cuối cùng trên người khác, đi đôi với một ước vọng muốn cầu thân với các mãnh lực thần bí, vô hình, giấu mặt. Những việc đó “hoàn toàn chống nghịch lại danh dự, sự tôn trọng, niềm kính sợ mà chúng ta phải dành cho mình Thiên Chúa mà thôi” (CEC (Giáo luật), số 2116).

D.  THỜ SATAN VÀ MA QUỈ

Đây làhình thức phạm thượng nhất đối với Thiên Chúa, nó gồm việc cầu khấn, tôn sùng, lễ bái Satan và ma quỉ, bằng những nghi thức, qua đó, người tín đồ phó mình suy phục cho Satan làm chủ mình[30] và ít ra một cách mặc nhiên (kín đáo, âm thầm) họ đã chối bỏ đức tin mình đã tuyên xưng nơi Phép Rửa tội, và cắt đứt không còn thuộc về Hội Thánh. (Hình bên phải: một nữ tín đồ của Satan). [31]

Hình bên trái: Huy hiệu của bè thờ Satan.

Ở giữa hình : Ngôi sao 5 cánh,  ngược đầu, đầu nhọn trỏ xuống dưới.

Ở trung tâm : Hình con dê biến thành mặt quỉ.                  

Vòng tròn, nửa trên ghi dòng chữ Latinh : Nhân danh Thiên Chúa của chúng ta là Satan, Lucifer cao cả.

Nửa dưới : Chào mừng khoái lạc xác thịt !

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Nguyên ở nước Ý, Ủy Ban đặc nhiệm đối phó với việc thờ quỷ Satan cho biết : hiện nay có khoảng 600.000 người và 8000 nhóm thờ Satan đang hoạt động.   

Ở đây, ma quỉ không chỉ được coi như là Sự Dữ được nhân-cách-hóa, vẫn nằm dưới quyền kiểm soát của Thiên Chúa, nhưng như là một Thần độc lập, ở khắp mọi nơi, quyền năng và đã hẳn là tà thần (tác quái). Đây không còn là một mãnh lực mà người ta phải cúng tế để cầu cạnh, nhưng là một đồng minh có quyền thế mà người ta muốn có bên mình và một thần linh mà người ta tôn thờ.

Những nghi thức thờ ma quỉ. Trong số nghi thức đó, đôi khi có gặp thấy cái gọi là “lễ misa đen” (xem hình dưới), tức là họ cử hành một nghi thức phạm thánh trên các Bánh Thánh đã được Truyền Phép (tức là Mình Thánh Chúa), mà họ đã lén lút lên Rước Lễ để đánh cắp đem về cho họ[32]  hoặc nhờ cho tiền kẻ vô lại để ăn cắp từ các Nhà Tạm của nhà thờ Công Giáo.

Thêm vào đó, cả một bộ lễ nghi ma thuật nhái lại các lễ nghi và đồ thờ của Phụng Vụ Công Giáo : các phẩm phục, thập giá, những chữ kết (ví dụ PX, JHS...), đèn, nến, hương, nước phép, muối, chuông, triều thiên, lọ dầu và các biểu tượng... Nhiều lần được thấy chiếu trên đài truyền hình do tư nhân đứng thầu, những pháp sư bận “áo lễ”, mang “giây các phép” (hình bên trái), đeo thập giá... và đọc những lời kinh, những câu trừ quỉ, nhái theo sách lễ phụng vụ Công Giáo.    

Như thế, chúng ta mới hiểu được tại sao một số tín hữu vốn có ít khả năng phán đoán, đã bị nhầm lẫn, lạc hướng đến chừng nào..., nhất là khi những tay chủ xướng tự giới thiệu mình như những thày tế lễ được phong chức hẳn hoi, hoặc như những “tư tế của đạo giáo đông phương”, để càng gây mập mờ ngộ nhận...

Được tuyên truyền qua truyền hình : Phải lưu tâm đến ảnh hưởng tác hại rộng lớn hơn, do việc tuyên truyền của các pháp sư phát động qua các đài truyền hình tư nhân[33].  Có quá nhiều người nhẹ dạ nghĩ rằng : một thông tin vì nó được phát trên đài truyền hình thì càng đáng tin hơn. Đó là một quan niệm khá phổ biến, và trong phạm vi vấn đề ma thuật, cái đó càng gây cho chúng ta những lo lắng hơn.

Vào bất cứ giờ nào trong ngày, các đài truyền hình tư nhân (bên Ý) cũng để những tay trùm ma thuật sử dụng sóng truyền hình tự do tuyên truyền những chuyện sai lầm của chúng vào trong tận các gia đình[34]. Như thế, nhờ làn sóng điện, chúng khéo léo lèo lái lương tâm những khán giả non lòng trẻ dạ và thường dễ bị lung lạc hơn cả.

Phải phản ứng làm sao ? Cách tuyên truyền những nội dung ma thuật hay môn huyền bí nói trên, càng làm chúng ta (cách riêng những vị có trách nhiệm giáo dục tôn giáo) cần ý thức hơn về đòi hỏi cấp bách phải phát động một công tác mục vụ thíc hợp và quyết liệt để đối kháng lại, và đồng thời, phải thúc đẩy các cấp chức quyền thảo soạn những điều luật phòng chống những kẻ vô lương tâm sử dụng đài phát sóng truyền hình - vốn là công ích của mọi người - để lợi dụng thói dễ tin của người khác bằng những phương tiện truyền thông đại chúng.

* * * * * *

 

ĐOẠN THỨ HAI

NHỮNG LÝ DO CHỐNG MỌI HÌNH THỨC THỰC HÀNH HUYỀN BÍ

Có thể tóm lược những lý do chính khiến đức tin dứt khoát chống lại tất cả những việc thực hành thuật huyền bí nói chung (tức là gồm mê tín dị đoan, thực hành ma thuật xa gần trong mọi hình thức, và thờ Satan v.v…) như sau :

Về mặt tín lý. Những việc thực hành thuật huyền bí dù dưới hình thức nào, đều nghịch với đức tin Kitô Giáo. Mê tín dị đoan, bói toán, ma thuật và tôn sùng Satan “đều chống nghịch lại sự tôn kính đối với Thiên Chúa độc nhất” và đều là những “hành vi đắc tội nặng nề nghịch với đức tin và lòng đạo” (CEC, số 2110-2117). [35]

Thực hành các việc đó là phạm một trọng tội chống nghịch sự thánh thiện của Thiên Chúa, và ngược với tín điều chỉ có một Thiên Chúa Độc Nhất, như thế dĩ nhiên là vi phạm Điều Răn Thứ Nhất : Tôn thờ một Thiên Chúa độc nhất. Vì mọi loài, mọi vật đều đã được Người tạo dựng, tự thân chúng đều tốt lành, bởi vì do tay Người làm ra (Sáng thế 1.31; Khôn ngoan 11.24-26; 1Timôtê 4.4). Nhưng trong tư cách là một vật thụ tạo, không một loài, một vật nào lại có quyền đòi cho mình tính thần linh. Tất cả chúng đều thuộc về Người, nằm dưới quyền của Người !

Thực hành những việc đó là phạm một trọng tội chống lại Thiên Chúa, Đấng Tạo Thành và là Chúa Tể tuyệt đối của mọi sự, mọi loài. Chỉ mình Người biết và quan phòng xếp đặt mọi sự quá khứ, hiện tại và tương lai - chỉ mình Người mới biết tường tận ý nghĩa của tất cả mọi biến cố.

Thực hành mê tín dị đoan và ma thuật là chối bỏ sự quan phòng, lòng nhân hậu của Cha trên trời, và tình yêu vô hạn mà Người đã mặc khải, trong Chúa Kitô, và sắm sẵn mọi sự cần thiết cho ta được cứu rỗi và được hạnh phúc. (2 Phêrô 1.3-4) [36]

Về mặt luân lý. Các thực hành thuật huyền bí đó không chỉ chấp chứa những sự sai lạc và phỉnh lừa, mà còn mở đường cho sự vô luân, vô đạo đức, khiến đạo lý về ơn cứu chuộc và sự cứu rỗi do Chúa Kitô thực hiện mất hết ý nghĩa.

Sở dĩ những việc thực hành ma thuật, huyền bí đều nghịch đạo, vô luân, bởi vì chúng phát xuất từ một tính toán tham vọng thỏa mãn những nhu cầu hay sở thích của người phàm, tức là muốn giải trừ hết và ngay tức khắc mọi trắc trở và nghịch cảnh của cuộc sống. Chúng còn phát sinh từ ý muốn được bảo vệ khỏi những bấp bênh của tương lai cuộc đời, hoặc phát sinh từ những khát vọng quá lố các điều vật chất, hay các khoái lạc hoàn toàn khoanh tròn trong thế giới phàm tục, tạm bợ này (giàu có, yêu đương, sức khoẻ, sống lâu và có một tương lai tươi sáng, không có vấn đề gì...). Người ta thật không đúng vì đã lầm lẫn gian trần bể khổ với Thiên đàng. Người ta không muốn chấp nhận vác một thập giá nào theo chân Đức Giêsu, Chúa mình. Họ chỉ muốn một cuộc sống hoàn toàn dễ dãi, đầy lạc thú..., không muốn chiến đấu chống tính mê, nết xấu... Thật là trái ngược với sự khôn ngoan, lòng nhân lành và quan phòng của Thiên Chúa.

Chúng còn xúc phạm nặng nề đến nhân phẩm của con người. Quả vậy, cầu cạnh các tay pháp sư, thày bói... chẳng là một sự thoái vị sao, vì từ khước nhân cách cao quí và sự tự do của con người ? Chẳng phải là một sự nhát sợ trước cuộc đời hay sao, mà đáng lẽ, là một con người đầu đội trời chân đạp đất, họ phải hiên ngang và can đảm mà đương đầu ?

Mê tín dị đoan, ma thuật làm tổn thương con người trong chính cốt lõi thâm sâu nhất của bản thể mình; đánh mất ý nghĩa cao cả của đời sống mình ; làm vỡ đổ những chiều kích chân thật của các hành vi nhân linh, là những hành vi hoàn toàn có tính tự do và do ý chí mình quyết định.

* * * * * *


TÌM HIỂU NHỮNG LÝ DO VĂN HÓA VÀ XÃ HỘI CỦA HIỆN TƯỢNG ẤY

Những tin tưởng và thực hành ma thuật là những hiện tượng phức tạp do bối cảnh lịch sử, tâm lý và xã hội gây nên.

Những sử gia tôn giáo đã làm sáng tỏ điểm này : trong nhiều miền, ma thuật và não trạng nhiễm ma thuật bắt nguồn từ một nền văn hóa ngoại giáo, mà lời rao giảng Tin Mừng và Kitô Giáo không tẩy sạch hết được.

Thêm vào đó, thời đại chúng ta còn thấy xuất hiện những trào lưu tư tưởng khoa học kỹ thuật và duy vật, chúng muốn triệt tiêu đức tin mà chúng coi là xung khắc với quyền của con người, muốn tự sức mình tạo dựng tương lai của mình, không cần sự trợ giúp của một tha lực nào siêu phàm, chẳng hạn sự trợ giúp của Thiên Chúa.

Nhờ tiếp xúc với các thuật thần bí và đạo giáo đông phương, người ta cậy nhờ các “quyền lực” (ma thuật hay ma quỉ), một cách nào, đó cũng là vì muốn phản ứng chống lại óc khoa học quá duy lý ngày nay; và mang một thái độ muốn chạy trốn vào lãnh vực vô lý tính, không cần dùng đến lý trí nữa.

Hiện tượng những trào lưu tôn giáo mới và giáo phái mới còn được thêm khí thế, khi chúng tìm được đất dụng võ trong các “cộng đoàn Kitô Giáo yếu ớt, không biết sống đầy đủ tất cả những giá trị cùng tiềm năng sự sống và chứng tá mà Tin Mừng hiến cho.”

Người thời nay đang sống một thời kỳ ý chí dễ yếu ớt, nghiêng ngả[37]. Một đàng họ thấy đời sống Kitô Giáo như một con đường hẹp, bởi vì Hội Thánh đòi hỏi nhiều hi sinh, và vì mặc khải về Thiên Chúa Chí Thánh đòi hỏi phải nên Thánh là điều rất khó thực hiện đối với người tội lỗi; thế mà đàng khác, họ lại không hề thẹn thùng đi ăn xin ở nơi những tay pháp sư và những người tự cho mình là thông tuệ (hay thấu thị, được soi sáng) những đáp số cho những câu hỏi về ý nghĩa cuộc đời !

Còn có thể giải thích sự cậy nhờ ma thuật như một việc tìm kiếm sự an ninh : họ hi vọng vượt qua được những hoàn cảnh nghiệt ngã của cuộc sống, hay thắng lướt sợ hãi trước tương lai mờ mịt, nhất là mong muốn được giải thoát khỏi đau khổ và sự chết.  Cậy nhờ đến pháp sư thường chỉ để đáp ứng nhu cầu muốn vượt thắng những hoàn cảnh mà con người thấy tâm hồn mình mỏng manh, yếu ớt, và thấy mình bất hạnh trước những thất bại trong cuộc đời.

Đối mặt với những bí mật đang vây quanh họ, con người cần có những quan niệm bao quát cả đời sống, cần đủ trình độ để cắt nghĩa. Nhưng mấy ai có được như thế, hơn nữa lại vì suy yếu trầm trọng trong sự hiểu biết và thực hành đức tin Kitô giáo, nên họ phải cậy nhờ các pháp sư và nhờ Satan can thiệp.

* * * * * *

ĐIỂM MẶT TRÒ PHỈNH GẠT VÀ VÔ LUÂN

Trên đây, chúng ta đã ra công làm sáng tỏ ý nghĩa tôn giáo và luân lý cũng như ảnh hưởng văn hóa xã hội của hiện tượng ma thuật.

Song những tai hại rất nặng nề nó gây ra không chỉ hạn chế vào lãnh vực đời sống nội tâm và đức tin. Còn phải nhận định rằng thực hành ma thuật bộc lộ một sự phỉnh gạt trắng trợn, có mục đích vét túi các “con công đệ tử”, sau khi đã khoét rỗng trái tim họ và biến họ thành nô lệ những mê tín dị đoan. Ở địa hạt này, có thể nói những tay pháp sư rất sành nghệ thuật làm giàu, bằng cách lợi dụng lòng mê tín của đệ tử. Quả là chúng biết khéo léo khai thác một kỹ nghệ thu lợi nhuận kếch xù : nào những buổi họp kín, nghi thức, bùa chú, sách vở, khóa học hàm thụ, quần áo, chứng thư, v.v... Lợi dụng lòng dễ tin của đệ tử, và dùng những xảo thuật khó mà lật tẩy được…, những tên trùm pháp sư, chiêm tinh, bói chỉ tay, bói bài, đồng cốt và “chữa bệnh” đã rất thành công, khiến người ta tin tưởng và trông cậy sẽ được tránh khỏi những hoàn cảnh đau khổ hay thất bại.

Như có lần đã nói, Kinh Thánh cũng nhìn nhận những tay sai đó của ma quỉ có thể làm được cả những dấu lạ điềm thiêng để phỉnh gạt: “Còn việc tên gian ác (thường gọi là Phản Kitô) xuất hiện là do tác động của Xa-tan, có kèm theo đủ thứ phép mầu, dấu lạ, điềm thiêng,  và đủ mọi mưu gian chước dối, nhằm hại những kẻ phải hư mất, vì đã không đón nhận lòng yêu mến chân lý để được cứu độ. Vì thế Thiên Chúa gửi đến một sức mạnh mê hoặc làm cho họ tin theo sự dối trá ; như vậy, tất cả những kẻ không tin sự thật, nhưng ưa thích sự gian ác, thì sẽ bị kết án.” (2 Thexalônica 2.9-12)

Bởi bị “bùa mê thuốc lú” ấy “mê hoặc”, nên thường thường, các thân chủ ra khỏi những buổi họp ấy với một tâm trạng tồi tệ, dù là về mặt tinh thần hay về mặt tiền bạc, kèm theo những tai hại khó có thể sửa chữa được. Vì sao ? Câu Kinh Thánh trên vạch ra : “Vì đã không đón nhận lòng yêu mến chân lý để được cứu độ”, cho nên họ bị “một sức mạnh mê hoặc làm cho họ tin theo sự dối trá” mà không sao dứt mình ra được, giống như người nghiện ma túy, biết là độc hại và sẽ đưa mình tới cái chết, nhưng không sao đoạn tuyệt được ! “Như vậy, tất cả những kẻ không tin sự thật, nhưng ưa thích sự gian ác, thì sẽ bị kết án.”

Thánh Phaolô đã cảnh báo : “Thần khí phán bảo rõ ràng: vào những thời cuối cùng, một số người sẽ bỏ đức tin mà theo những thần khí lừa dối và những giáo huấn của ma quỷ;  đó là do bởi trò giả hình của những tên nói dối mà lương tâm như bị thích dấu sắt nung.” (1 Timôtê 4.1-2)

Những nạn nhân khốn khổ ấy còn đưa ra những chứng từ  bày tỏ một khía cạnh khác cũng đê tiện không kém của hoạt động của các pháp sư : những thực hành ma thuật, những nghi thức của chúng thường có một màn tình dục sau đó.

Người ta cung cấp những cái đó trong những “buổi giải phóng tình dục”. Sự tự do phóng túng tình dục và đồng tính luyến ái được khuyến khích, được nuôi dưỡng như những “thiên đàng hạnh phúc”. Hàng chữ cuối trong huy hiệu của chúng đã nêu lên khẩu hiệu : “Chào mừng khoái lạc xác thịt!” Người ta tha hồ thụ hưởng không chút kìm hãm luân lý nào và không đếm kể gì đến nhân phẩm của mình hay của người khác.

Cuối cùng, còn có một điều bi thảm không nhỏ nữa, đó là tay pháp sư hay người “linh thị” (thường là những nhân vật có cá tính mạnh) đã thành công trong việc chế ngự hoàn toàn hay hầu như hoàn toàn các đệ tử của mình, khiến cho những kẻ này rơi vào tình trạng lệ thuộc tâm lý hầu như thành nô lệ.

Các dữ kiện chúng tôi (các Giám Mục) thu thập được cho thấy việc ấy không phải là hiếm : người ta thuật lại có những người trẻ bị khống chế như trên đã rời bỏ gia đình và hoàn toàn vâng phục ý muốn của “vị địa tiên” đã được đề cao - hoặc có những người – không biết đã bị khuất phục bằng cách nào – đem dâng hết tài sản của cải cho tên pháp sư.

Pháp luật (bên Ý) thường đã nhiều lần can thiệp vào những vụ như thế, nhưng rõ ràng là cần phải ngăn ngừa trước, và hơn nữa còn phải dẹp trừ. Mà muốn ngăn ngừa những hiện tượng ấy, tất cả mọi nhà giáo dục - trong trường học, trong gia đình, trong Giáo Hội - cần phải nỗ lực thêm về mặt đào tạo, nhất là nơi những tầng lớp người kém may mắn hơn cả.

 

* * * * * *

ĐOẠN THỨ BA

ĐƯỜNG HƯỚNG HOẠT ĐỘNG MỤC VỤ

Tại miền chúng tôi ở (bên Ý) thấy quảng cáo công khai các hoạt động ma thuật đầy dẫy nơi công chúng, từ những bảng quảng cáo dọc các đường lộ, trong niên giám điện thoại, trong báo chí, qua làn sóng truyền thanh, truyền hình, cho đến trong các sạp, các tiệm sách…(bên VN chúng ta thì chưa đến nỗi)

Trước một hiện tượng đã phát triển thành rộng lớn như thế, đang đe dọa đức tin chân chính của Kitô hữu được trao cho chúng tôi săn sóc, dẫn dắt mục vụ, chúng tôi (các Giám Mục) thấy thúc bách phải tăng cường việc thông tin, rồi làm cho dân chúng nhạy cảm trước vấn đề, và sau cùng giáo hóa.

Quả là bất hạnh khi thấy những người chạy đến nhờ cậy các pháp sư và các thuật sĩ huyền bí, thường đại đa số lại là Kitô hữu thuộc các cộng đoàn chúng ta. Niềm tin của họ đã trở nên yếu ớt và lu mờ đến nỗi họ không còn nhận thấy mê tín dị đoan, ma thuật và tôn sùng Satan là điều phản nghịch triệt để với đức tin Kitô Giáo. (x. chú thích dưới cuối, số 30)

   a/         Phúc âm hóa (Hiểu và sống Phúc Âm)

Vậy phận sự đầu tiên của chúng ta là phải tăng cường việc Phúc Âm Hóa tín hữu thuộc mọi tầng lớp xã hội, thuộc mọi lứa tuổi, bởi vì não trạng ma thuật bắt rễ và phát triển dễ dàng hơn ở nơi nào thiếu sót sự hiểu biết về đức tin.

- Tin Mừng sẽ làm cho hiểu biết Thiên Chúa, Đấng đã tự mặc khải và tự hiến một cách hoàn toàn tự do trong Đức Giêsu Kitô, vì yêu thương nhân loại vô điều kiện.

- Thiên Chúa đã nói và đã làm xong tất cả trong Chúa Kitô, Đấng được lập làm “con đường” và “cửa” dẫn tới thế giới thần linh hạnh phúc của Thiên Chúa. Không có ai khác có thể đem ơn cứu thoát đến cho ta :

Đức Kitô, Đấng Cứu Thế, là trung gian độc nhất giữa Thiên Chúa và loài người” (1Timôtê 2.5), “và không có Danh (danh tức là người) nào dưới gầm trời này để nhờ Danh đó mà chúng ta được cứu thoát” (Công vụ 4.12)...

- “Nơi Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa không chỉ nói với loài người, mà còn tìm kiếm họ... Tại sao tìm kiếm họ ? Vì họ đã lìa xa Người” (Trích lời Đức Giáo Chủ Gioan-Phaolô II, Tông thư : “Thiên niên kỷ thứ ba đang tới”, số 4 và 7).

- Trong Đức Kitô, Thiên Chúa Cha đã cho chúng ta mọi sự và đã nói hết mọi sự. Không còn phải đợi trông gì từ phía Thiên Chúa những mặc khải nào khác nữa.

- Đời sống đức tin không cần những điều kỳ diệu lạ lùng nhiều hay ít, và không nên chờ đợi những chuyện siêu nhiên trên trời đột nhập trần gian cách dễ dãi. Thánh Phaolô đã căn dặn: “Vì chúng ta bước đi nhờ lòng tin chứ không phải nhờ được thấy...” (2 Corintô 5.7)

Tin là phú thác đời sống mình vào tay Thiên Chúa, nhờ lãnh nhận “Sự Sáng thật” (Gioan 1.9) từ Người ban cho, ánh sáng ấy rọi vào u tối của ta, và cho ta khả năng tiến bước mà không sợ sa vào những con đường tối tăm, lầm lạc.

- Từ đấy, việc của con người là đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa, nhờ biết cách đọc những mời gọi của Người trong các biến cố cuộc sống họ, trong các con người họ gặp, trong những hoàn cảnh mà hằng ngày họ va chạm.

·               Những cái giúp ta chống lại cách hiệu quả nhất các độc hại của những thực hành ngụy tôn giáo và ngụy đạo đức, đó là :

   * Nghe rao giảng đạo lý và đức tin chân thật ;

   * sống kinh nghiệm ơn cứu độ nhờ các Bí Tích ;

   * mối dây đoàn kết huynh đệ và liên đới trong cộng đoàn ;

   * dấn thân tận tụy phục vụ anh chị em khác vì tình thương.

   Đồng thời, chúng tôi căn dặn những giáo lý viên hãy ra sức dạy giáo lý cẩn thận cho giới trẻ, hầu ngăn ngừa những ma lực cám dỗ của những môn “huyền bí” làm lệch lạc lương tâm và ý thức của họ.

   b/         Canh phòng

Phận sự của chúng ta còn phải canh chừng các tâm tình tôn giáo và những cách thực hành, qua đó các tín hữu diễn tả lòng tin của họ.

Một não trạng thiên về mê tín có khả năng làm hư hại ngay cả những “việc thờ phượng mà chúng ta dâng lên Thiên Chúa chân thật ! Chẳng hạn một vài việc hành đạo, tự bản chất là chính đáng, hợp pháp và cần thiết, nhưng người ta lại gán cho chúng một tầm quan trọng có mầu sắc ma thuật ; hay những lời kinh và các dấu Bí tích được sử dụng như thể chúng tự động có một hiệu lực ma thuật[38],  mà không đòi buộc đương sự phải có những tâm tình tin yêu cần thiết, đó là rơi vào mê tín dị đoan rồi” (CEC, số 2111).

Một cách đặc biệt, phải hết sức thận trọng về những hình thức đạo đức bình dân và các cuộc hành hương, nhất là được tổ chức đi đến những nơi mà người ta đồn có việc hiện ra hay có những hiện tượng khác lạ (ví dụ : Ảnh tượng Chúa hay Đức Mẹ khóc, chảy nước mắt máu…)[39]

Chúng tôi cũng kêu gọi những nhóm hay những phong trào hội họp một nơi để gặp gỡ, trao đổi, cầu nguyện hay lo chuyện thiêng liêng, cố tránh những cử chỉ có thể gây ngộ nhận, dị nghĩa, và có xu hướng đề cao tính cách vật chất của những nghi thức (như đặt tay, công thức giải thoát, v.v...)[40]; và cũng phải coi chừng vấn đề tâm lý quần chúng dễ bị khích động khi hội họp chung với nhau.

   c/         Đón tiếp

Những thân chủ của thế giới “đen”, của các mê tín dị đoan và ma thuật không chỉ là những người nghèo nàn về mặt văn hóa và đức tin. Đôi khi sự nghèo nàn còn sâu xa hơn thế nhiều, nghĩa là trước những biến cố quan trọng trong cuộc đời, biết bao người không biết cậy dựa vào đâu để giải quyết.

Nhưng dù thế nào đi chăng nữa, chúng ta đều biết rằng : không thể nào lại đương đầu với sự ác, đau khổ, thất bại và sự chết bằng cách chạy đến nhờ cậy quyền lực ma thuật, huyền bí, nhờ các pháp sư môi giới, hay tham gia vào những nhóm tôn giáo bí truyền màu sắc “đông phương”. Chẳng khác nào “tránh vỏ dưa, lại gặp vỏ dừa”.

Vì thế, những người mất phương hướng trước các bí nhiệm của cuộc đời ấy, cần được chúng ta trước tiên tiếp đón, nghe họ, soi sáng cho họ, nâng đỡ họ bằng tình liên đới và sự lưu tâm của cả cộng đoàn, để họ vượt thắng những hoàn cảnh khắc khoải, xao xuyến, sợ hãi và bất ổn về tương lai hậu vận.

   đ/         Huấn giáo

Chúng tôi kêu gọi các giáo xứ hãy chuẩn bị sao để sẵn sàng tiếp đón những người đã thực hành ma thuật, để cho họ thấy bằng chứng mạnh mẽ rằng tất cả các phương thế có sẵn trong Hội Thánh đều có sức cứu độ : nào Lời Chúa, các Bí Tích (cách riêng Phép Xá Giải và Phép Thánh Thể), cầu nguyện, niềm thông hiệp huynh đệ, phục vụ nhau trong tình bác ái...

Huấn giáo hoặc trình bày đức tin một cách có hệ thống là đặc biệt quan trọng :

- Hãy nhấn mạnh về sự tốt lành của mọi sự, mọi loài trong tạo thành ;

- Quyền Chủ Tể tuyệt đối của Thiên Chúa, là Đấng Tạo Thành và là Cha ;

- Tinh thần các mối phúc ;

- Việc cứu chuộc và canh tân mọi sự nhờ bởi Hiến Tế Thập Giá và Vinh Thắng Phục Sinh của Chúa Kitô trên tội lỗi và ma quỉ ;

- Viễn tượng về Nước Thiên Chúa cánh-chung đang đến, và mọi người, mọi vật đều phải qui phục, ngõ hầu Thiên Chúa là tất cả trong mọi người.

Vì biết rằng khi gặp đau đớn thể xác và tâm thần, nhiều người dễ bị thúc đẩy tìm giải thoát nơi những tay thực hành thuật huyền bí, nên rất cần phải soi sáng cho tín hữu biết giá trị của Thập Giá (tức là biết chấp nhận cách vui lòng những khổ đau) để đạt tới ơn cứu độ. Đức Giáo Chủ Gioan-Phaolô II, trong bài “Đau Khổ Cứu Rỗi”, số 26, viết : “Người người tự hỏi đau khổ có ý nghĩa gì, và họ đã đi tìm lời giải đáp theo mặt nhân loại. Họ đã nhiều lần hỏi Thiên Chúa về điều ấy, cũng hỏi cả Đức Kitô nữa... Thực ra, Đức Kitô không trả lời trực tiếp hay một cách trừu tượng, cho câu hỏi của loài người về ý nghĩa sự đau khổ. Người ta sẽ nghe dần dần câu trả lời có sức cứu rỗi của Ngài, mỗi khi họ chấp nhận chia sẻ các đau khổ của Đức Kitô.”  “Quả thế, nhờ Đức Ki-tô, anh em đã được phúc chẳng những là tin vào Người, mà còn được chịu đau khổ vì Người.” (Philiphê 1:29), bởi vì “một khi cùng chịu đau khổ với Người, chúng ta sẽ cùng được hưởng vinh quang với Người.” (Rm 8.17).

   e/         Thánh hóa

Việc chữa lành thiêng liêng cho tâm hồn người nào quay về với Chúa, sẽ thể hiện nhờ bởi Lòng Thương Xót mà Chúa Cha đổ xuống trên ta qua Con của Người (x. Ephêsô 2.1-6). Mà ơn cứu độ của Đức Kitô thì được thông truyền cho nhân loại bởi quyền năng Chúa Thánh Thần, qua các Bí Tích : Các Bí Tích nhập đạo (Phép Rửa, Phép Thêm Sức, Phép Thánh Thể), các Bí Tích chữa lành (Phép Xá Giải và Xức Dầu Bệnh Nhân) và các Bí Tích xã hội (Truyền Chức và Hôn Phối).

Nhờ Lời Chúa và các Bí Tích, Hội Thánh chu toàn sứ vụ “làm Bí Tích phổ quát về ơn cứu độ cho hết cả loài người” (Hiến Chế : Ánh sáng muôn dân, số 1). Trong mỗi cộng đoàn Kitô giáo, ở đó người ta nghe loan báo về Chúa Kitô và phụng sự Ngài, công cuộc cứu chuộc loài người đều được thực hiện.

   g/         Chúc lành

Nằm trong số các hoạt động Bí Tích của Hội Thánh, còn có những nghi thức chúc lành, “chúng biểu thị sự huy hoàng, phong phú của ơn Cứu Độ của Đấng Phục Sinh, vốn từ nay hiện diện trong lịch sử như một nguyên lý mới làm cho đời sống nhân loại và cả vũ trụ được biến đổi. ‘Chúc lành’ quả thực là một hành động có tính Bí Tích do Hội Thánh làm, trong đó lộ rõ ra lòng tin vào sự hiện diện và hoạt động của Thiên Chúa trong thế giới, và vào sự vinh thắng phục sinh của Chúa Giêsu”.

Sách Nghi Thức Mới của Phụng Vụ Giáo Hội cho ta một số những công thức chúc lành (hay cũng gọi là “làm phép”) cho người, cho những nhóm gia đình, cho các nơi ở hoặc nơi làm việc, cho các vật dụng cũng như cho những hoạt động khác nhau của con người.

Nhưng nếu người ta không hiểu đúng sách “Làm các phép”, sẽ có thể gây ra một thái độ ma thuật và mê tín, nghĩa là coi sách đó như là một bí kíp ban phát những bùa chú, hay pháp thuật tự động phát sinh hiệu quả, chẳng cần cầu nguyện và lòng tin gì cả. Vậy phải hiểu cho đúng tinh thần của nó và theo sát cẩn thận các nghi thức của nó, cốt yếu là nó nhằm làm tăng trưởng đức tin và niềm xác tín rằng Thiên Chúa Cha tỏ lòng ưu ái và ban phép lành cho ta và mọi vật liên quan đến ta.

   h/         Phép trừ quỉ

Không hiếm người đi đến các tay pháp sư, phù thủy và thuật sĩ huyền bí để xin được giải thoát khỏi những ảnh hưởng mà họ cho là của ma quỉ, hoặc do bùa ngải hay bị thư ếm.... Kết quả là thế nào ? Kết quả là các vấn đề lại thêm phức tạp và trầm trọng về sau....

Việc bùa ngải, thư ếm, (xem chú thích 27 dưới cuối), đều là những hành động mà chỉ những kẻ có lòng tin yếu ớt và ngây thơ mới mắc phải, dẫu vậy chúng gây ra những lệch lạc nghiêm trọng cho tâm hồn họ.

Đến xin quyền lực ma thuật, phù phép can thiệp giúp mình thực là chuyện vô cùng nguy hiểm, bởi vì Satan thực tế có khả năng gây ảnh hưởng trên con người bằng hành động thông thườnglà cám dỗ và còn bằng hành động ngoại thường mà Thiên Chúa cho phép trong một vài trường hợp (Xem trình bày ở chú thích 8 dưới cuối). Vả lại, làm sao người ta lại chạy đến nhờ cậy pháp sư để mong được giải thoát khỏi ảnh hưởng và khống chế của ma quỉ, như thế chẳng khác gì “nhờ quỉ mà trừ ma”, chẳng lẽ họ đã quên lời Đức Giêsu nói : Satan không xua trừ Satan đâu : “Bất cứ nước nào tự chia rẽ, thì sẽ điêu tàn… Nếu Xa-tan trừ Xa-tan, thì Xa-tan tự chia rẽ: nước nó tồn tại sao được ?” (Matthêu 12.25-26).

Chỉ có một cách là chạy đến nhờ quyền năng của Thiên Chúa, mà chính Đức Giêsu đã thi hành thời sứ vụ ở trần gian:

Nếu Tôi cậy vào Thần khí của Thiên Chúa mà trừ quỷ, thì quả là Nước Thiên Chúa đã đến giữa các ông.” (Matthêu 12.28).

 Và Chúa Kitô đã ban cho các Tông Đồ và các môn đệ quyền năng trừ tà ấy. Vì thế :

Càng ngày càng nhiều những trường hợp người ta chạy đến cùng Linh Mục để xin ngài trừ quỉ cho, sau khi đã nhiều phen thử nhờ cậy các phù thủy và pháp sư mà chỉ gặt được những kinh nghiệm độc hại.

Hành động mục vụ giải thoát của Linh Mục sẽ chẳng cậy vào sự gì khác, ngoài niềm xác tín rằng : Hội Thánh làm cho sự vinh thắng của Chúa Kitô trên ma quỉ và tội lỗi được hiện diện và tác động hiệu lực lúc này.

Tuy vậy, nên nhớ : Quyền lực cứu độ của Chúa Kitô thi triển hết hiệu năng trong các Bí Tích, chứ không phải trong việc trừ quỉ. Vì thế ảnh hưởng độc hại nhất, cũng như tiêu cực nhất mà ma quỉ gây ra cho người ta, là khi nó lôi kéo họ vào tội lỗi, chứ không phải là khi nó ám hay nhập vào họ.

Chống lại ảnh hưởng ma quỉ, việc trừ tà không là liều thuốc ở trên hết và mạnh hơn hết. Liều thuốc này, người ta phải tìm ở đâu ?

Thưa : Ở trong một đời sống dấn thân và gắn bó với Chúa Giêsu, trong cuộc sống tình huynh đệ giữa cộng đoàn Giáo Hội, trong việc siêng năng lãnh các bí tích, trong việc cầu nguyện sốt sắng và liên lỉ, trong sự chăm chỉ nghe Lời Chúa mà sẵn sàng vâng theo. Chẳng phải Thánh Gioan đã gói ghém trong một câu rất hàm súc này sao : “Chúng ta biết rằng phàm ai đã được Thiên Chúa sinh ra (tức là được tái sinh bởi Phép Rửa), người đó không phạm tội ; nhưng có Đấng Thiên Chúa đã sinh ra (tức là Chúa Giêsu) giữ gìn người ấy, và Ác thần không đụng đến người ấy được.” (1 Gioan 5.18)

Một việc trước tiên phải làm, khi tiếp xúc kiên trì và vô vị lợi với những người nghĩ mình bị quỉ ám, là sẽ tìm hiểu xem có thực đấy là trường hợp có ma nhập, quỉ ám thật hay chỉ là những bệnh thần kinh (như suy nhược thần kinh quá độ, tinh thần bị tổn thương, mát, mất trí, động kinh, khùng điên, loạn óc, v.v...). Cần mời các bác sĩ và chuyên gia, hoặc tâm lý trị liệu gia cùng cộng tác với Linh Mục để có thể phân biệt đâu là bệnh tâm thần, đâu là quỉ ám. Nhưng tốt nhất những người này phải là những người “có ý thức về những thực tại thiêng liêng” (Nghi thức trừ quỉ “ad interim”, số 16).

   i/          Can thiệp của Hội Thánh

Chỉ có quyền lực của Thần khí Thiên Chúa mới trừ được quỉ, chữa được bệnh tật, như chúng ta đã nghe Chúa Giêsu tuyên bố trên đây :

Nếu Tôi cậy vào Thần khí của Thiên Chúa mà trừ quỷ, thì quả là Nước Thiên Chúa đã đến giữa các ông.” (Matthêu 12.28).

Bởi vậy, Người nói với các môn đệ là Người ra đi (chịu chết và về cùng Chúa Cha) là để sẽ sai Thần Khí, Đấng Phù Trợ, từ Cha đến : “Ngài sẽ chứng minh thế gian sai lầm về tội lỗi,... về việc xét xử : vì Thủ lãnh thế gian này đã bị xét xử rồi” (Gioan 16.7-11).

Và Chúa Giêsu công bố sự thất bại của Tên Thù : “Giờ đây Thủ lãnh thế gian này sắp bị tống ra ngoài !” (Gioan 12.31). Rồi quả quyết : “Thầy đã thấy Xa-tan như một tia chớp từ trời sa xuống.” (Luca 10.18).

Và Chúa Kitô đã ban cho các Tông Đồ và các môn đệ khác quyền năng ấy của Thần Khí để trừ tà và chữa bệnh trong khi thi hành sứ vụ : “Rồi Đức Giê-su gọi mười hai môn đệ lại, để ban cho các ông quyền trên các thần ô uế, để các ông trừ chúng và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền.”(Matthêu 10.1; Luca 9.1; Máccô 3.13-15; 6.7; Luca 10.17).

 Không chỉ ban cho các Tông Đồ và môn đệ ưu tuyển, Chúa còn rộng ban, nhất là từ sau Phục Sinh, cho cả những kẻ tin được quyền làm các dấu lạ, trong số đó có việc “trừ quỉ” nữa : “Những dấu lạ này sẽ đi theo những người có lòng tin : nhân danh Thày họ sẽ trừ quỷ…” (Máccô 16.17; xem Công vụ 5.16; 8.6-7; 16.18; 19.12).

   “Phép trừ tà nhằm xua đuổi ma quỉ hoặc giải thoát khỏi ám ảnh của chúng, nhờ quyền uy thiêng liêng mà Chúa Kitô đã trao ban cho Hội Thánh” (CEC, số 1673). Kể từ đó, người trong Hội Thánh luôn luôn vẫn thi hành quyền năng do Chúa Kitô ban mà trừ quỉ, và đẩy lui các ảnh hưởng độc hại của chúng; cũng luôn cầu xin với lòng trông cậy, nhân danh Chúa Giêsu, để được “cứu khỏi Kẻ Dữ” (Lời cầu xin cuối cùng của Kinh Lạy Cha, Matthêu 6.13). (Trích sách Nghi Thức Trừ Quỉ..., số 6-7).

    Cha G.Amorth viết trong quyển “Nhà Trừ Quỉ”: “Quyền năng này, mà Chúa Giêsu ban cho tất cả những người tin vào Ngài, vẫn còn hiệu lực đầy đủ. Đó là quyền năng phổ quát, dựa trên lời cầu nguyện và lòng tin. Nó có thể được thực hiện bởi cá nhân hay cộng đồng. Nó luôn luôn sẵn sàng ứng đáp và không đòi hỏi một quyền bính đặc biệt nào. Tuy nhiên, chúng tôi phải nói rõ ra rằng trong trường hợp này chúng ta nói về những kinh nguyện giải thoát (prayer of deliverance), chứ không nói về những câu trừ quỷ(tức là việc trừ quỉ đúng nghi thức : exorcism).

Thật vậy, việc thi hành cách công khai chức vụ trừ quỉ ấy, được dành cho các Giám Mục và Linh Mục nào được các Ngài ủy nhiệm (Giáo Luật, số 1172). Giáo Luật tuyên bố rằng không ai được làm việc trừ quỉ nếu chưa được Đấng Bản Quyền sở tại ban phép đặc biệt và rõ ràng (Giáo Luật số 1172, đoạn 1), và còn ấn định rằng phép ấy chỉ do Đấng Bản Quyền sở tại ban cho vị Linh Mục nào trổi trang về đạo đức, về kiến thức, về khôn ngoan và đời sống liêm khiết (Giáo Luật trên, đoạn 2).

(Hình bên : Thánh Phanxicô đờ Borgia đang tiến hành việc trừ quỉ).

Căn cứ vào điều khoản này, kỷ luật Giáo Hội đã nhắc nhở về một quan niệm thấy càng ngày càng phổ biến cho rằng “ai đã chịu Phép Rửa Tội đều là một nhà trừ quỉ” ; và trong một số những đoàn thể trong Giáo Hội, người ta hội họp nhau để trừ tà, thì quan niệm và cách làm ấy không hợp pháp, và nhất là “cũng không được phép dùng công thức trừ quỉ rút ra từ công thức được Đức Giáo Chủ Lêô 13 công bố, và càng không được phép dùng toàn bản văn của việc trừ quỉ ấy” (Thư của bộ Giáo Lý Đức Tin : “Inde ab aliquot annis”, năm 1985, số 2).

    Kỷ luật trên đây nhắm vào những ai, không được Đức Giám Mục chỉ định mà công khai thi hành việc trừ quỉ đúng nghi thức (exorcism). Nhưng không ngăn cấm Linh Mục hay giáo hữu (riêng lẻ cá nhân hay họp nhau) cầu nguyện xin Chúa xua đuổi tà ma khuấy khuất (prayer of deliverance).

Xem thế, về việc trừ quỉ, Hội Thánh tỏ ra rất thận trọng. Bởi bản chất và ý nghĩa, việc trừ quỉ chỉ đích thật trong những trường hợp quỉ ám được xác định chắc chắn. Những trường hợp như thế là trầm trọng nhất, nhưng cũng họa hiếm xảy ra nhất. “Nếu không thấy rõ ràng những dấu hiệu của ma quỉ can thiệp (vị Linh Mục) không được làm phép trừ quỉ” (Nghi Thức Trừ Quỉ..., số 16).

Có lẽ vì quá thận trọng, quá kỹ lưỡng cho nên trong Giáo Hội không mấy ai dám nhận chức vụ trừ quỉ nữa, thành ra cánh đồng này coi như bị bỏ hoang cho ma quỉ hoành hành, vì thế Cha G.Amorth, trong quyển “Nhà Trừ Quỉ”, có lời than phiền về sự kiện :

“Ngày nay Giáo Hội Công Giáo đã quá lơ là với sứ mạng đặc biệt này (việc trừ quỉ), và bởi đó con cái Giáo Hội không chạy lại với Thiên Chúa nữa (nhờ các vị đại diện Người là các linh mục, để tìm sự giải thoát), nhưng là tìm đến với Satan. Việc chạy đến với các phù thủy, thày cúng, kẻ bói bài, thầy bùa thầy ngải ngày càng gia tăng; chỉ có rất ít các nạn nhân chạy đến cùng các nhà trừ quỷ (của Giáo Hội) và thường là sau khi đã chịu đau khổ dưới tay “những kẻ khác”. Chúng ta đang chứng kiến sự ứng nghiệm những lời trong Kinh Thánh liên quan đến Vua A-khát-gia. Trong lúc vua bị bệnh nặng, ông đã sai sứ giả đi cầu vấn Ba-an-dơ-vúp (vua các loài quỷ!), thần của dân Êc-rôn, để hỏi cho biết số phận tương lai. Tiên tri Ê-li-a đã chặn các sứ giả này và hỏi họ : "Ở Ít-ra-en không có Thiên Chúa hay sao mà các ngươi đi hỏi thần Ba-an-dơ-vúp ?" (2 Vua 1, l-4).

Để đáp ứng những nhu cầu của các tín hữu bị những rối loạn tâm linh loại ấy làm khốn, nên đặt ra trong toàn giáo phận một vài Linh Mục được Đức Giám Mục ủy nhiệm quyền thường xuyên để chu toàn chức vụ ấy, cách riêng tại những nhà thờ hay Thánh Đường rất đông người lai vãng.

Chức vụ trừ quỉ phải được thi hành trong bối cảnh mục vụ chung của toàn Giáo Phận. Mong ước chớ gì các Giáo Phận hay Tổng Giáo Phận làm sao thiết lập được những trung tâm tham vấn hay cố vấn gồm các Linh Mục và chuyên gia có khả năng định hướng thiêng liêng hay biết phân biệt rành rẽ cho những người có nhu cầu.

Khi một Giáo Phận không có được những vị (Linh Mục) riêng để làm chức vụ trừ quỉ, các Giám Mục có thể đồng ý ủy nhiệm cho một số Linh Mục chức vụ trừ quỉ chung cho Liên Địa Phận.

Các Linh Mục được ủy nhiệm việc trừ quỉ, phải theo hạn kỳ báo cáo bằng giấy viết về các hoạt động của các vị, phải sử dụng các sách Phụng Vụ về việc ấy, đã được phê chuẩn và đang thông dụng trong Hội Thánh. Còn nữa, mỗi năm, dưới sự chủ tọa của Giám Mục, sẽ tổ chức một cuộc gặp mặt trong miền để lượng giá cho đúng, để trao đổi thông tin và để có một mục vụ hiệp nhất đường lối.

 

* * * * * *

 

KẾT LUẬN

ĐỨC GIÊSU KITÔ LÀ CHÚA (1Corintô 12.3)

Kết thúc văn kiện này mà chúng tôi trao gửi đến các Linh Mục và tất cả những thợ vườn nho trong miền, chúng tôi muốn quả quyết lần nữa tầm quan trọng của việc Phúc Âm Hóa (rao giảng Phúc Âm), việc dạy Giáo Lý cách hệ thống và đời sống siêng năng lãnh nhận Bí Tích trong giáo xứ, và chứng tá tình liên đới huynh đệ với những anh chị em còn yếu đức tin, vì vậy họ mới tìm kiếm giải đáp cho các vấn đề của họ bằng cách chạy đến nhờ cậy những tay pháp thuật, huyền bí.

Ngang qua sự ân cần tiếp xúc và gần gũi với chúng ta, chớ gì những anh chị em đó có thể cảm thấy tất cả sức mạnh chiến thắng của Thiên Chúa và tất cả tình ưu ái của Chúa Kitô, người Samaritanô nhân hậu (x. Luca 10.29-37) đã đổ dầu an ủirượu hi vọng trên những vết thương của người anh em, chị em bị rơi vào tay bọn cướp.

Ký tên,

Hội đồng Giám Mục

miền Campani (Ý)

--------------------------------

PHỤ THÊM :

KINH XIN ƠN CHỐNG LẠI SỰ DỮ

   Lời nói đầu

Cha Germano Ventura, Linh Mục Dòng Thương Khó, gốc người đảo Sardegna (Nam Ý) đã thi hành tác vụ trừ quỷ trong vòng hơn 30 năm - kể từ năm 1960 - trước là tại Toscana ở đảo Sicilia (Nam Ý), sau là trong giáo phận Rôma, và Cha chia sẻ kinh nghiệm sau đây :

Lúc trước, tôi vẫn dè dặt mỗi khi phải chính thức đề cập đến vấn đề quỷ ám và trừ quỷ với giới báo chí, vì đây là một vấn đề hết sức tế nhị. Nay thì tôi nghĩ khác. Ma quỷ hiện diện khắp nơi và luôn tìm cách quấy phá, ám hại con người trong cuộc sống thể xác và tinh thần. Hơn ai hết, chúng tôi là Linh Mục trừ quỷ, hàng ngày đối đầu với quỷ dữ, chạm trán với những trường hợp ám hại thương đau, chúng tôi cần phải nói to, nói rõ cho mọi người biết về sức tung hoành tàn phá của quỷ dữ, và nhất là, minh chứng cho mọi người thấy:

- Quyền năng lớn lao của Giáo Hội Công Giáo, duy nhất, thánh thiện, tông truyền, khi nhân danh Đức Chúa GIÊSU KITÔ và Đức Mẹ MARIA để trừ quỷ.

Các tín hữu Công Giáo cần ý thức sâu xa rằng, khi gặp những trường hợp nan giải, mắc những chứng bệnh kỳ lạ, không bác sĩ nào giải thích được và không phương thuốc nào chữa trị được, thì nên tìm đến với Linh Mục, hỏi han ý kiến của Ngài. Chỉ có Linh Mục Công Giáo, nhân danh Giáo Hội Công Giáo và dùng những phương thức của chính Giáo Hội Công Giáo, mới giải thoát con người khỏi những bệnh tật do sức phá hoại của ma quỷ. Trong mọi trường hợp, tín hữu Công Giáo không được phép chạy đến với thầy pháp, thầy phù thủy hoặc với những bà đồng bóng.

   Cha Gabriele Amorth cũng cảnh giác: “Nhiều Linh Mục đánh giá quá thấp về sự nguy hiểm của tà thuật. Trong khi các Ngài vẫn nghiêm chỉnh tin vào quyền năng cứu độ của Chúa Giêsu, Đấng đã chết để giải phóng chúng ta khỏi xiềng xích của Satan,[41] thì các Ngài lại quên rằng Chúa không bao giờ bảo chúng ta đánh giá thấp về quyền lực của ma quỷ; Người không bao giờ bảo chúng ta coi thường ma quỷ hoặc ngưng chiến với nó. Thay vào đó, Thiên Chúa đã ban cho chúng ta quyền năng trừ quỷ và khuyên chúng ta không ngừng chiến đấu chống lại nó là kẻ chuyên “giần sàng” chúng ta.” (Sách : Người Trừ Quỷ Kể Truyện, trang 201)

Thánh Kinh không bảo chúng ta sợ ma quỉ, nhưng dạy tỉnh thức đề phòng, và dùng đức tin mà chống cự :

Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé. Anh em hãy đứng vững trong đức tin mà chống cự…”   (1 Phêrô 5.8-9)

Vì chúng ta chiến đấu không phải với phàm nhân, nhưng là với những quyền lực thần thiêng, với những bậc thống trị thế giới tối tăm này, với những thần linh quái ác chốn trời cao. Bởi đó, anh em hãy nhận lấy toàn bộ binh giáp vũ khí của Thiên Chúa : … Hãy luôn cầm khiên mộc là đức tin…., hãy đội mũ chiến là ơn cứu độ và cầm gươm của Thần Khí ban cho, tức là Lời Thiên Chúa.” (Ephêsô  6.12-17)

Anh em là những người mạnh mẽ; Lời Thiên Chúa ở lại trong anh em, và anh em đã thắng ác thần.” (1Gioan 3.8)

Chẳng phải “Chúng ta đã có đặc sủng của Chúa Thánh Thần, có phép Thánh Thể, Lời Thiên Chúa, sức mạnh Danh Chúa Giêsu, sự che chở của Đức Trinh Nữ diễm phúc, sự cầu bầu của các Thiên thần và các Thánh; thế mà còn đi sợ một kẻ đã bại trận thì chẳng phải là đần độn lắm sao?” (sách trên, trang 279).

Sau đây xin trích đăng từ cuốn “Người Trừ Quỷ Kể truyện”, bản “Kinh Xin Chống Lại Mọi Sự Dữ”, cho ai muốn sử dụng :

 “Lạy Thần Khí của Thiên Chúa chúng con, là Cha và Con và Thánh Thần, Ba Ngôi Cực Thánh, xin ngự xuống trên con; lạy Đức Trinh Nữ Maria Vô Nhiễm, các Tổng Thần (Micaen, Gabrien, Raphaen), các Thiên Thần và các Thánh trên Thiên Đàng, xin đến với con.

Lạy Chúa, xin thanh tẩy con,  xin uốn nắn con, xin đổ đầy lòng con bằng chính Chúa và sử dụng con.

Xin đuổi xa khỏi con mọi lực lượng sự dữ, xin phá hủy chúng, chế ngự chúng, để con có thể được mạnh khoẻ mà làm những việc lành.

Xin xua đuổi xa con tất cả các thứ thư ếm, bùa ngải, tà thuật, hành ác, trói buộc, những quấy nhiễu của ma quỉ, tà ám gây độc hại, tội lỗi, ghen tương, phản bội, tị hiềm, những sự đau đớn về thể lý, tâm lý, tinh thần, thiêng liêng do ma quỉ. Xin thiêu đốt tất cả những sự dữ này trong Hỏa Ngục, để chúng không bao giờ đụng chạm đến con hay bất cứ thụ tạo nào trên khắp thế giới nữa.

 Nhờ quyền năng của Thiên Chúa toàn năng, nhân danh Chúa Giêsu Kitô Đấng Cứu Chuộc chúng con, qua sự cầu bầu của Đức Trinh Nữ Maria Vô Nhiễm, xin hạ lệnh và cấm tất cả các quyền lực đang quấy nhiễu con phải xa khỏi con mãi mãi, và vào lửa Hoả Ngục muôn đời, nơi chúng sẽ bị trói buộc bởi các Tổng Thần Micae, Raphael, Gabriel, các Thiên Thần Bản Mệnh, và nơi chúng sẽ bị đạp giập dưới gót chân của Đức Trinh Nữ Vô Nhiễm Maria. Amen !”

* * * * * *

Kinh Xin Ơn Giải Thoát

“Lạy Chúa, Chúa là Đấng Toàn Năng, là Thiên Chúa, là Cha nhân từ.

 Chúng con nài xin Chúa nhờ lời cầu bầu và trợ giúp của các Tổng Lãnh Thiên Thần Micae, Raphael và Gabriel, xin giải thoát các anh chị em chúng con đang làm nô lệ cho thần dữ.

Xin tất cả các Thánh trên Trời hãy đến cứu giúp chúng con

- Khỏi những lo âu buồn phiền và ám ảnh.

        Lạy Chúa, xin thương giải thoát chúng con.

 - Khỏi sự thù hằn, dâm đãng thèm muốn,

        Lạy Chúa, xin thương giải thoát chúng con.

- Khỏi những tư tưởng ghen tương, giận hờn chết chóc,

        Lạy Chúa, xin thương giải thoát chúng con.

- Khỏi mọi tư tưởng tự vẫn và phá thai,

        Lạy Chúa, xin thương giải thoát chúng con.

 - Khỏi mọi hình thức phạm tội dâm dục,

        Lạy Chúa, xin thương giải thoát chúng con.

- Khỏi mọi sự chia rẽ trong gia đình, và mọi thương tổn bằng hữu.

  Lạy Chúa, xin thương giải thoát chúng con.

- Khỏi mọi thứ bùa ngải, thư ếm, tà thuật, và mọi hình thức mờ ám.

  Lạy Chúa, xin thương giải thoát chúng con.

Lạy Chúa, Chúa đã nói: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban bình an của Thầy cho anh em”, xin nhờ lời cầu bầu của Đức Trinh Nữ Maria, cho chúng con thoát khỏi mọi thứ bùa yếm tà thuật và được vui hưởng bình an của Chúa luôn luôn. Chúng con cầu xin nhờ danh Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.”

 

ššX››

 

PHẦN (I)

CÁC PHÁN QUYẾT CỦA THIÊN CHÚA VÀ CÁC LÊN ÁN CỦA HỘI THÁNH ĐỐI VỚI MÊ TÍN DỊ ĐOAN NÓI CHUNG

A -  Phán quyết của Thiên Chúa trong Kinh Thánh

Dị đoan mê tín, thờ quấy, ma thuật và bói toán v.v… đã luôn luôn bị Kinh Thánh (cách riêng Cựu Ước) kết án bằng những lời nghiêm khắc và hình phạt nặng nề :

Sách Lêvi 19.31: “Các ngươi chớ chạy theo đồng bóng, đừng tới thày bói mà ra nhơ uế vì chúng. Ta là Giavê, Thiên Chúa của các ngươi”.

Sách Lêvi 20.6-7 : Thiên Chúa phán : “Người nào chạy theo đồng bóng... để dâm bôn[42] theo chúng, Ta sẽ quay Nhan Ta chống lại kẻ ấy và sẽ diệt nó khỏi cộng đồng dân nó..., vì Ta là Giavê, Thiên Chúa của các ngươi.”

Lê vi 20.27 : “Người … nào có ma nhập, thần ốp thì phải bị xử tử…”

Sách Đệ Nhị Luật 18.9-12 : “Anh em đừng học đòi những thói ghê tởm của các dân tộc (ngoại đạo) ấy: giữa anh em … không được thấy ai làm nghề bói toán, chiêm tinh, tướng số, phù thủy, bỏ bùa, ngồi đồng ngồi cốt, chiêu hồn. Thật vậy, hễ ai làm điều ấy thì là điều ghê tởm đối với Đức Chúa…” [43]

Đoạn Đệ Nhị Luật này nhắc cho biết là làm những điều ấy là bội giáo, phản đạo, nghịch mắt Thiên Chúa, chọc giận Người : “Kẻ nào làm những điều ấy sẽ là điều quái gở đối với Giavê”.

Sách Đệ Nhị Luật 17.3-7 : Cũng cấm triệt để việc thờ bái các mãnh lực thiên nhiên được tôn làm thần: như Mặt Trời, Mặt Trăng hay toàn thể Thiên Binh (bầu trời), ai vi phạm sẽ bị ném đá chết.

Cũng xem thêm sách Khôn ngoan 13.1-13, vì quá dài, nên không tiện trích dẫn ra đây.

Ngôn sứ Giêrêmia 27.9-10 : “Phần các ngươi, đừng nghe lời các ngôn sứ (giả), các tay bói toán, giải mộng, chiêm tinh, phù thủy của các ngươi… Chúng chỉ tuyên sấm điều dối trá… khiến Ta phải xua đuổi và tiêu diệt các ngươi”.

Mấy đoạn Thánh Kinh trích dẫn sau đây tuy không trực tiếp ra luật cấm đoán, song dưới hình thức chê bai nhạo báng, cũng đủ nói lên ý muốn của Thiên Chúa :

Sách Huấn Ca 34.1-7 : Chê các việc mê tín dị đoạn : “Tin vào mộng mị thì khác nào bắt bóng và đuổi theo gió… Bói toán, rút quẻ, chiêm bao cũng đều hão huyền cả…. Bởi chưng mộng mị đã khiến cho bao người lầm lạc, họ gục ngã vì hi vọng vào đó”.

Sách Giảng Viên 9.4-6,10 cũng bảo : Người đã chết không còn biết gì đến việc dương gian, làm sao có thể giúp đỡ hay thi ân giáng phúc cho kẻ sống: “Chỉ những ai còn sống trong cõi dương gian mới có hi vọng mà thôi, vì con chó sống thì hơn con sư tử chết…. Người chết chẳng biết gì cả; họ đâu còn được hưởng điều gì… bao yêu thương, oán hờn, ganh tị của họ đã tiêu tan cả rồi, và muôn đời họ sẽ không được dự phần vào bất cứ chuyện gì xảy ra dưới ánh mặt trời nữa…. Trong cõi âm ty… không còn hoạt động, không còn dự tính, chẳng còn hiểu biết, chẳng còn khôn ngoan”.

Ngôn sứ Isaia 47.11-15 : Qua miệng ngôn sứ Isaia, Thiên Chúa nhạo báng dân Babylon, đã tin vào những tay phù phép ma thuật, chiêm tinh, xem số tử vi… cuối cùng cũng chẳng giúp gì được cho họ khỏi đại họa:  “Đâu cả rồi mấy ông xem số tử vi, mấy thầy chiêm tinh, mấy kẻ cứ đến kỳ tân nguyệt(ngày sóc, ngày vọng) lại báo cho ngươi những gì sẽ xảy đến ? Tất cả hãy đứng lên nào, hãy cứu chữa ngươi đi ! Này chúng sẽ như cọng rơm bị đốt cháy, không sao cứu mạng khỏi hỏa hào,… những kẻ đã làm ngươi hao sức tốn công, những kẻ đã nuốt tiền của ngươi từ hồi còn trẻ…”

Cũng nên biết : Sở dĩ có các luật cấm những buổi chiêu hồn ma thuật ấy, không phải vì trong những buổi đó có các kẻ chết đã hiện về thật. Không có như thế đâu ! Vì như ta đã xem ở trang 13-17 : Tất cả những người chết liền bị phán xét và tùy tội phúc mà tức khắc vào một trong ba chỗ đã chỉ định, một là lên Thiên Đàng, hai là xuống Hỏa Ngục, ba là xuống nơi Luyện Tội, nên đâu còn có thể đi lang thang ra ngoài mà phá quấy. Vậy thì ai hiện về ? Phải xác định ngay là các sự hiện về ấy một là do ma quỉ, hai là chuyện giả trá do các tay sai của nó bày đặt ra đánh lừa con mắt ta. Bởi vậy, thực hành các việc gọi hồn ấy là điều Thiên Chúa gớm ghét.

- Có nhiều người nghĩ rằng : những điều luật cấm đó trong Cựu Ước, nay không còn hiệu lực nữa đối với chúng ta những người sống trong thời Tân Ước. Đành rằng, có những điều không còn hiệu lực, vì lỗi thời hay bị vượt quá, nhưng có những điều căn bản vẫn còn hiệu lực, bằng chứng là lời Chúa Giêsu nói : “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Mô-sê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn.  Vì, Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành.” (Matthêu 5.17-18). 

- Ở đây chúng tôi trích dẫn những luật cấm này, vì thấy rất nhiều người tín hữu Công Giáo – cách riêng giới phụ nữ – thường hay yếu lòng mà vi phạm bởi tin vơ thờ quấy, mê tín dị đoan chỉ vì không hay biết Thiên Chúa và Hội Thánh ra những luật cấm nghiêm nhặt :

Do đó, họ vẫn đi nhà thờ, vẫn đọc kinh, có người còn dự Lễ, Rước Lễ hằng ngày, vào hội đoàn này, đoàn thể kia… Nhưng khi gặp nghịch cảnh, như thất nghiệp, đau ốm bệnh tật, tai nạn, khổ sở, gia đình lộn xộn v.v…, cầu xin Chúa và Đức Mẹ một hồi không thấy (hay chưa thấy) được nhậm lời, họ bèn chạy đi cầu cạnh tà thần ngẫu tượng ngoại giáo, bằng cách đi xem tướng, xem chỉ tay, xem số tử vi, đi cầu cơ, chiêu hồn, chiêm tinh, bói quẻ, hay dùng bùa ngải, đặt tượng ông địa, thần tài, ngay trong nhà hay ở cửa tiệm của họ…

Họ không biết là Thiên Chúa đã cấm làm tất cả những việc nói trên, vì coi những việc ấy là ghê tởm và nghịch mắt Chúa. Xin xem lại vài câu đã trích dẫn trên kia : Lv 19.31; 20.6,27; Đnl 18.9-12…

Và Giáo Hội Công giáo cũng đã đưa ra những kết án mạnh mẽ quyết liệt những việc ma thuật, mê tín dị đoan ấy như sẽ xem dưới đây.

Những ai làm những việc đó đã phạm tội trọngnghịch Điều Răn Thứ Nhất : “Thờ phượng một Thiên Chúa trên hết mọi sự.” (Đnl 6.4-5; Mt 22.37-40).

Và đừng nghĩ rằng làm những việc ấy là không sao ! Hãy nhớ lại lịch sử dân Israen ngày xưa, chính vì họ phạm những tội tầy trời ấy mà Thiên Chúa nổi cơn thịnh nộ đánh phạt khủng khiếp nước mất nhà tan, lưu đày viễn xứ ! Ngày nay, phạm những tội quái gở ấy có dám chắc là không bị mang họa ?

Hãy nghe mấy lời Thánh Kinh này :

7Chúng nói rằng : “CHÚA đâu có thấy,

Thiên Chúa nhà Gia-cóp chẳng để tâm !

8 Này quân đần độn nhất trên đời !

Bao giờ mới nên khôn, hỡi đồ ngu xuẩn ?

9 Đấng từng gắn đôi tai, há lại không nghe ?

Đấng nặn thành cặp mắt, chẳng lẽ không thấy ?

10 Đấng sửa trị muôn dân, lẽ nào không phạt ?

Đấng dạy dỗ con người mà chẳng biết gì sao ?

(Tv 94.7-10)

Ngoài bị hình phạt, những ai chạy theo các chuyện giả trá ấy còn bị Thiên Chúa coi làngu dại, như lời Người phán dạy qua miệng tiên tri Isaia rằng :

Chúng thật ngu dại… những  kẻ cầu khẩn những thần không tài cứu độ…Ngoài Ta ra không có thần linh nào cảĐấng Cứu Độ không đâu có trừ phi là Ta. Hãy quay lại với Ta để hòng được cứu thoát … vì chính Ta là Thiên Chúa, chứ không ai khác nữa” (Is 45.20-22).

Thánh Phêrô cũng tuyên bố trước Thượng Hội Đồng Do Thái một chân lý tương tự :

Ngoài Đức Giêsu ra, không ai đem lại ơn cứu độ ; vì dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ.” (Cv 4.12)

Chúa bảo họ ngu dại, chẳng sai chút nào : Mất bao công sức, tiền của, chạy theo cầu cứu những kẻ phỉnh phờ gạt gẫm, mà có được gì đâu, nếu có được gì thì cũng là tình cờ may rủi, vì: “Đấng Cứu Độ không đâu có trừ phi là Ta.” Chưa hết, đã ngu dại mà còn nguy hạinữa. Cứ thử nghĩ mà xem, trong phạm vi thần thánh, ngoài Thiên Chúa, Đức Mẹ và các thánh, chỉ có loài ma quỉ, ta vừa nghe sứ ngôn Isaia nói rồi đó: “Ngoài Chúa ra không có thần linh nào cả”. Khi người ta không chạy đến cầu cứu với các Đấng tốt lành thánh thiện sẵn lòng thương giúp, mà đi cầu cứu các thầy pháp, thầy bói, thầy chiêm, tướng số v.v.. thì đúng là cầu cứu với ma quỉ, mà những kẻ đó là tay sai.

Có điều khó hiểu là tại sao có những tín hữu thú nhận rằng biết những chuyện đó là giả trá mà họ lại cứ đâm đầu vào ? Phải chăng là họ bị bùa mê thuốc lú ? Đúng vậy, Thánh Kinh viết : Những tay sai của Satan cũng có thể làm được cả phép mầu, dấu lạ, điềm thiêng, ta nhớ lại khi ông Môsê và Aharon vào trước mặt vua Pharaô nước Ai Cập, và làm những phép lạ để buộc vua trả tự do cho dân Do Thái : “Ông A-ha-ron ném cây gậy của mình xuống trước mặt Pha-ra-ô và bề tôi của vua : gậy hoá thành một con rắn to. Pha-ra-ô cũng triệu các hiền sĩ và pháp sư đến ; và các phù thuỷ Ai-cập cũng dùng phù phép của mình mà làm như vậy : mỗi người ném cây gậy của mình và gậy hoá thành một con rắn to….Ông A-ha-ron giơ gậy lên và đập nước sông, trước mặt Pha-ra-ô và bề tôi của nhà vua. Tất cả nước sông liền biến thành máu. Cá dưới sông bị chết, sông ra hôi thối, và người Ai-cập không thể uống nước sông được nữa ; trong cả nước Ai-cập, chỗ nào cũng có máu. Nhưng các phù thuỷ Ai-cập cũng dùng phù phép của mình mà làm như vậy.” (Sách Xuất Hành  7.10-12, 20-22)

Chúng còn cho kèm theo “đủ mọi mưu gian chước dối, nhằm hại những kẻ phải hư mất, vì đã không đón nhận lòng yêu mến chân lý để được cứu độ. Vì thế Thiên Chúa gửi đến một sức mạnh mê hoặc làm cho chúng tin theo sự dối trá ; như vậy, tất cả những kẻ không tin sự thật, nhưng ưa thích sự gian ác, thì sẽ bị kết án.” (2 Tx 2.9-12).

Mấy lời Thánh Kinh này đã trả lời cho câu hỏi trên : Những tín hữu buông theo những sự dối trá, phỉnh gạt, đó là những kẻ “không có lòng yêu mến chân lý để được cứu rỗi”. Vì thế, họ bị một thứ “sức mạnh mê hoặc làm họ (mù quáng) tin theo sự dối trá” để “bị kết án”, tức là có nguy cơ phải hư mất đời đời.

Nhưng, như trên kia đã nói, cũng phải nhận rằng nhiều khi các chuyện giả trá ấy lại khéo ngụy trang dưới lớp áo gọi là “Khoa Học” huyền bí khiến nhiều người thật thà tin theo. Chẳng phải nhiều lần đã nghe có người bảo : Tử vi là chuyện khoa học đấy ư ! Tin vào khoa học thì sao lại có tội ?

Tội nằm ở chỗ không tin tưởng vào Thiên Chúa, là Chúa, là Chủ của đời sống ta, không tin vào quan phòng an bài sắp đặt của Chúa cho cuộc đời ta, mà đi cầu cứu những quyền lực đen tối để biết trước về tương lai hậu vận, để nắm bắt và làm chủ tương lai mình hay của người khác. Như vậy thì dù tin tưởng vào khoa học, cũng là tội lỗi !

Còn nói chi đến những cái do ma quỉ và của những tay sai của nó bày đặt ra !

Vậy nếu chạy đến cầu cứu ma quỉ quả thật là chuyện vô cùng nguy hại, dù nhiều khi không thấy nguy hại xảy ra nhãn tiền nên không sợ, nhưng chúng ta được Lời Thánh Kinh dạy cho biết rằng ma quỉ vốn ghen ghét loài người :

vì quỷ dữ ganh tị

mà cái chết đã xâm nhập thế gian.”

                                                     (Kn 2.24),

thì làm sao nó lại cứu giúp ta được ? Nhớ lại cảnh nó xúi giục ông bà nguyên tổ phạm tội, và bởi đó mà không những ông bà phải chết mà còn cả nhân loại con cháu ông bà cũng phải chết nữa (St 3.1-19; Rm 5.12). Khủng khiếp chưa ?, Đúng vậy, nó chỉ muốn giết hại, phá hủy, tiêu diệt. Kinh Thánh đã cảnh báo : “Anh em hãy tỉnh thức, vì quỷ dữ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé” (1 Pr 5.8).

 Nhưng nó rất tinh khôn, nó luôn đem đến những lợi lộc để nhử mồi, cũng giống như khi đi câu, người câu cá dùng một mồi thơm ngon bên ngoài mà giấu lưỡi câu bén nhọn bên trong, con cá nào tưởng bở, đớp vào, là chết.

Đây cũng vậy, ma quỉ có thể dùng thầy bói, thầy bùa, thầy ngải v.v… làm lóa mắt ta bởi vài phép lạ, hoặc nhử mồi hứa cho ta được vài lợi lộc vật chất như lòng ta mong muốn, nhưng đó chỉ là những phép lạ giả, lợi lộc phù vân, rồi sau này ma quỉ sẽ bòn rút lại cách này cách khác cho bằng hết, và tình trạng của người tin theo nó sau cùng sẽ khốn đốn hơn trước. Kinh nghiệm của nhiều người sa vào tròng phỉnh phờ gạt gẫm ấy của ma quỉ, đã thú nhận sự thật đau đớn đó, nên Chúa bảo ngu dại là vì vậy.

* * * * * *

Tân Ướccũng gắn bó chặt chẽ với Cựu Ước mà xác quyết quyền Chúa Tể độc nhất và tuyệt đối của Thiên Chúa Cha, và sự cứu rỗi cho mọi người không trừ ai nhờ bởi Danh Đức Giêsu :

Công vụ 4.12 : “Và hẳn không có ơn cứu độ nơi một người nào khác nữa. Vì dưới gầm trời này, không có một Danh (= người) nào khác đã được ban xuống cho nhân loại để nhờ vào Danh đó mà chúng ta trông được cứu thoát”.

 1Timôtê 2.3-5 : “Thiên Chúa, Đấng Cứu chúng ta, Người muốn cho mọi người được cứu rỗi và được nhìn biết sự thật. Vì chỉ có một Thiên Chúa, và cũng chỉ có một Đấng Trung Gian giữa Thiên Chúa và loài người, đó là Đức Giêsu Kitô.”

Công Vụ 13.6-11 : Thánh Phaolô trừng phạt một người làm nghề phù thủy : “Hỡi kẻ đầy mọi thứ mưu mô và mọi trò xảo trá, hỡi con cái ma quỷ và kẻ thù của những gì là công chính,… giờ đây, này bàn tay Chúa giáng xuống trên ngươi : ngươi sẽ bị mù… trong một thời gian.” Lập tức mù lòa và tối tăm ập xuống trên người phù thủy…

Cũng Thánh Tông Đồ trong thư Rôma 1.22-32 lên án việc thờ quấy và cho biết do đó mà phát sinh ra hậu quả là một đời sống luân lý đồi bại : một lá thư viết từ 2000 năm nay, bây giờ vẫn hợp thời :

Họ khoe mình khôn ngoan, nhưng đã trở nên điên rồ. Thay vì Thiên Chúa vinh quang bất tử, họ đã thờ hình tượng người phàm là loài phải chết, hay hình tượng các loài chim chóc, thú vật, rắn rết.

Vì thế, Thiên Chúa đã để mặc họ buông theo dục vọng mà làm những điều ô uế, khiến thân thể họ ra hư hèn. Thay vì Thiên Chúa thật, họ đã theo những thần giả ; họ đã tôn thờ những loài thọ tạo, thay vì chính Đấng Tạo Hoá. Chúc tụng Người đến muôn thuở muôn đời. A-men.

Vì họ đã không thèm nhận biết Thiên Chúa, nên Người đã để mặc họ theo trí óc lệch lạc mà làm những điều bất xứng, lòng họ đầy bất chính, xấu xa, tham lam, độc ác đủ thứ; nào là ganh tị, giết người, cãi cọ, mưu mô, thâm hiểm ; nào là nói hành nói xấu, vu oan giá hoạ. Họ thù ghét Thiên Chúa, ngạo ngược, kiêu căng, khoác lác, giỏi làm điều ác, không vâng lời cha mẹ, không có lương tri, không giữ lời hứa, không chút tình cảm, không chút xót thương. Họ thừa biết phán quyết của Thiên Chúa là : hễ ai làm những điều như vậy thì đáng chết. Thế mà không những họ cứ phạm những tội đó, lại còn tán thành những kẻ làm như vậy.”

Thánh Tông Đồ còn liệt “sự thờ quấy, ma thuật, phù chú” vào sổ “các công việc do tính xác thịt gây ra” (Galát 5.20-22), nói khác đi, đó là những việc xấu xa tội ác làm chúng ta mất cơ nghiệp vĩnh cửu là Nước Thiên Chúa.

ªªª

 B -  Các lên án của Hội Thánh Công Giáo

Suốt dòng lịch sử và tiếp nối giáo huấn của Kinh Thánh, Hội Thánh vẫn luôn luôn không ngừng lên án những việc mê tín dị đoan và ma thuật nêu trên kia.

   Kitô Giáo kết án ngay từ thời đầu những việc ấy :

+ Ông Tertullianô (160-240) lên án những tay phù thủy, “vẫn làm xuất hiện các bóng ma và làm ô danh những linh hồn người quá cố. Chúng dùng trẻ con để bắt phải tuyên sấm. Bằng những trò xảo thuật bịp bợm, chúng làm nhiều việc thần kỳ, như để đùa bỡn”.

+ Trong những thế kỷ đầu tiên của Kitô Giáo, nhiều ông vua có đạo đã ban chiếu chỉ trấn áp những thần dân nào tham gia thực hành những điều mê tín dị đoan để chiêu hồn.

+ Ngày 5-1-1585, Đức Giáo Chủ Sixtô-Quintô, trong Tông Hiến Coeli et terrae Creator (Đấng Tạo Thành trời đất) đã chính thức kết án những ai, nhờ thuật chiêu hồn, tìm cách giao tiếp với các người chết.

+ Cách riêng về việc gọi hồn nhờ đồng bóng hay thôi miên để xuất thần, Bộ Thánh Vụ (nay là Bộ Giáo Lý Đức Tin) đã lên án ngày 28-7-1847; và sáu năm sau, trước sự bành trướng của thuật thông linh (spiritisme = thông thương giao tiếp với âm hồn người đã chết), ngày 4-8-1856, lại ban hành những lời cảnh cáo chính xác và nghiêm ngặt hơn[44], với những lời lên án thường rất mạnh mẽ :

“Lơ bỏ ý muốn chính đáng tìm tòi khoa học, để miệt mài tìm kiếm chỉ vì tò mò, gây nguy hại lớn cho các linh hồn và phương hại cho chính xã hội dân sự, có nhiều người khoe khoang đã khám phá được một phương thức để tiên báo và đoán được tương lai. Đúng vậy, nhiều phụ nữ không mấy đức hạnh đã tự nhận – khi miệt mài thực hành việc mộng du hay việc nhìn thấu suốt (claire-voyance = Thấu thị ? Huệ nhãn ??) như người ta nói, bằng những thủ pháp không lương thiện – rằng họ đã khám phá và tỏ lộ những sự vô hình, bằng cách thuyết giảng về những vấn đề tôn giáo, bằng cách gọi hồn người chết, và lãnh được lời chúng trả lời, bằng cách khám phá được điều chưa từng biết hay xa xôi, và bằng cách thực hành nhiều việc dị đoan đại loại như vậy. […]

“Tựu trung, không kể đến phần xảo thuật và ảo tưởng, một khi người ta dùng những phương tiện vật lý để đạt những hiệu quả vượt trên tự nhiên, thì chắc chắn đó là phỉnh lừa vô cùng bất hợp pháp và lạc đạo, đồng thời đó là gương mù nghịch với luân thường đạo lý”.

+  Mười năm sau, lại có lần kết án mới do Công Đồng Baltimore (1866), bởi lo sợ có sự can thiệp của ma quỉ vào những hiện tượng thông linh ấy : Sau khi đã chỉ trích những buổi họp đồng bóng – bởi vì nhiều sự việc kỳ diệu xảy ra ở đó chỉ có thể phát sinh do ảo giác hay lường gạt – các Nghị Phụ của Công Đồng nói tiếp : “Tuy nhiên, người ta khó có thể không nghi ngờ rằng một số các sự việc ấy đã do sự can thiệp của ma quỉ, vì không còn có cách giải thích nào khác nữa”.

– Chúng ta cũng nên biết điều này : chính các bậc thầy của thuật thông linh cũng tuyên bố họ thường nhận thấy hoạt động của những thần hạ cấp lừa đảo và tác hại.

+  Bộ Thánh Vụ cũng lên án các việc giáng bút, cầu cơ (ngày...-4-1878)... và...

+  Và đây là lời lên án chung kết việc thông linh :

Được hỏi: “Có được phép tham dự, dù có nhờ hay không nhờ đồng cốt, hoặc có sử dụng hay không thuật thôi miên, vào những cuộc đàm đạo hay những biểu thị thông linh mà bên ngoài thấy có vẻ lương thiện và đạo đức,

hoặc hỏi han các âm hồn [45] hay các linh thần,

hoặc nghe những lời chúng trả lời,

hoặc chỉ quan sát mà thôi,

đang khi trong lòng ta phản đối, một cách ngấm ngầm hay công nhiên, rằng ta không muốn giao tiếp chút nào với các ác thần không ?”

Bộ Thánh Vụ trả lời, ngày 24-4-1917 :

 “Không, về hết mọi điểm nêu trên” (Acta Apostolicae Sedis – Văn kiện chính thức của Tòa Thánh – ngày 1-6-1917, tr.268).

Không còn có thể nghĩ có lời kết án nào chung kết và tuyệt đối hơn. Giáo Hội Công giáo chưa hề bao giờ rút lại lời kết án ấy.

Nói chung, tất cả những phương thế ma thuật, bói toán, gọi hồn, chiêu hồn... để giao tiếp, để biết chuyện người chết, và để biết tương lai hậu vận, đều bị lên án.

-  Những lý do của lời kết án ấy lộ rõ từ những điều chúng ta đã nói về thuật thông linh : nó đối nghịch trực tiếp với tất cả các lời dạy của Kinh Thánh, của những tín điều của Giáo Hội Công Giáo và của đạo lý thần học nói chung : nó chối phăng những tín điều Kitô Giáo về […..] số phận cố định sau khi chết, về bản tính của Thiên Đàng, về Hỏa Ngục đời đời vĩnh viễn, về Luyện Ngục, về xác loài người ngày sau sống lại, v.v... và v.v...

Ngoài ra, thuật thông linh còn bị Hội thánh coi là mở cửa cho ma quỉ hoạt động, quả thật trong một số trường hợp đã nhận thấy rõ ràng đúng như thế. Chính vì thế, các Nghị Phụ của Công Đồng Baltimore, năm 1866 kết án các buổi họp thông linh, với lý do : “nghi ngờ rằng một số sự việc lại đã do can thiệp của ma quỉ, vì ngoài ra, mọi lời giải thích khác đều không đạt”.

ªªª

C -  Sách Giáo Lý Công giáo :

Tiếp nối truyền thống Thánh Kinh, sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo cũng đưa ra những chỉ thị cấm đoán rõ ràng và chi tiết :

Số 2112 : “Điều răn thứ nhất lên án thuyết đa thần, buộc con người không được tin vào thần nào khác ngoài Thiên Chúa, không được tôn kính các thần linh nào khác ngoài Thiên Chúa duy nhất. Thánh Kinh luôn nhắc lại việc từ bỏ các ngẫu tượng “bằng vàng,bằng bạc, do tay người làm ra…”. Các ngẫu tượng là hão huyền…”

Số 2113 : “Thờ ngẫu tượng là tôn thờ và kính bái một thụ tạo thay vì Thiên Chúa, cho dù đó là thần linh hay ma quỉ (giáo phái thờ Xa tan), quyền lực, khoái lạc, chủng tộc, tổ tiên, nhà nước, tiền bạc v.v… Ai thờ ngẫu tượng là mặc nhiên  không nhìn nhận Thiên Chúa là Chúa Tể duy nhất, nên không thể thông hiệp với Thiên Chúa”

Số 2115 2116 : "Thái độ đúng đắn của Kitô hữu là phó thác hoàn toàn trong tay Chúa Quan Phòng những gì thuộc về tương lai và từ bỏ mọi thứ tò mò thiếu lành mạnh trong lãnh vực này.” Vì thế :

Phải loại bỏ mọi hình thức bói toán : cậy nhờ Xa tan hay ma quỉ, gọi hồn người chết hay những cách khác, nghĩ rằng sẽ đoán được tương lai (x. Đệ nhị luật 18.10; Giêrêmya 29.8). Coi tử vi, chiêm tinh, xem chỉ tay, giải điều mộng, xin xăm, bói toán quá khứ vị lai, đồng bóng, là những hình thức che giấu ước muốn có quyền trên thời gian, trên lịch sử và trên cả con người, cũng như ước muốn liên kết với các thế lực huyền bí. Điều này nghịch lại với lòng tôn kính và thần phục chỉ dành cho mình Thiên Chúa.”

Số 2117 :  “Ai muốn dùng ma thuật hay pháp thuật để chế ngự các thế lực huyền bí, bắt chúng phục vụ mình và nắm được quyền lực siêu phàm trên người khác dù là để chữa bệnh, cũng lỗi nặng nhân đức thờ phượng. Các việc này càng đáng lên án hơn nữa khi có dụng ý hại người, hay nhờ đến sự can thiệp của ma quỉ.

Mang bùa cũng là điều đáng trách.

Chiêu hồn thường đi kèm cả bói toán hay ma thuật.

“Hội Thánh cảnh giác các tín hữu phải xa lánh tất cả những điều ấy.

“Khi dùng các phương thuốc gia truyền, không được kêu cầu các thế lực ma quỉ, cũng như lợi dụng sự nhẹ dạ của người khác.”

ªªª

·  Ý kiến các thần học gia hiện nay : Các vị đều nhất trí coi như một tội trọng bất cứ một toan tính tiếp chuyện nào do mình gợi lên với các kẻ chết (âm hồn).

Chúng ta hãy trích dẫn vài đoạn từ các sách giáo khoa thần học hợp lệ nhất và được phổ biến rộng rãi :

+  Sách của Lm. Witrant, S.J. (số 485) : “Thực hành thuật thông linh chắc chắn là điều phải kết án rất nặng, mỗi khi người ta dự định đem ma quỉ hay các người chết can thiệp vào một cách nghiêm túc”.

+  Sách của các Lm. Hurth et Abellan, S.J., Giáo Sư Đại học Viện Grêgoriô ở Rôma (số 717, p.I) : “Thuật thông linh đích thực, nghĩa là việc thông giao thực sự hay ít ra mới toan tính, với các linh thần hoặc linh hồn đã lìa xác (âm hồn), là một tội nặng”.

+  Sách “Thần học luân lý giáo khoa” của Lm. Prummer, O.P. (T.II, tr.423) : “Thuật thông linh theo nghĩa chính xác, nghĩa là sự tiếp chuyện vô lối và được gợi lên với các linh thần của một thế giới bên kia, là việc tuyệt đối bất hợp pháp”.

·  Vậy, thật là sai lầm khi cho rằng Hội Thánh chỉ khuyênđừng nên thực hành các điều đó. Không ! Hội Thánh cấm đoán một cách tuyệt đối nhất, và chúng ta không thể thực hành các việc đó mà không phạm tội bất tuân nặng nề.

Hội Thánh cấm chỉ tuyệt đối sự sử dụng các thứ phương thuật… để giao tiếp với âm hồn(vong hồn, cô hồn), hay để biết tương lai hậu vận[46].  Những toan tính làm như thế có nguy cơ bước ra khỏi lãnh vực của tâm linh học để bước vào lãnh vực của trò quỉ ma.

+ Lm. Phanxicô Ngô Tôn Huấn, trong một bài tải về từ trang báo điện tử www.memaria.org, ngày 29-9-2006, còn nêu ra thêm các việc không được làm khác nữa :

“Nói rõ hơn, không được phép trưng bày ảnh tượng bất cứ thần linh nào dù là của tôn giáo khác hay theo truyền thống dân gian như ông thần tài, ông công, ông táo, ông địa v.v… trong nhà hay nơi buôn bán, dịch vụ thương mại. Vì trưng bày như vậy có nghĩa là tin tưởng vào quyền năng của một ai khác ngoài Thiên Chúa là nguồn duy nhất của mọi ơn phúc và có uy quyền trên mọi tạo vật và vũ trụ. Nói khác đi, trưng các ảnh tượng ấy (hình bên : Bàn thờ Ông Địa) là vô tình hay cố ý xúc phạm đến Thiên Chúa là Chủ Tể của mọi loài, mọi vật mà ta phải thờ lạy theo đúng niềm tin Công giáo.

“Vậy, nếu không muốn trưng hình Chúa, Đức Mẹ hoặc Thánh nào trong nhà hay nơi cơ sở làm ăn, buôn bán, thì không được trưng ảnh tượng của bất cứ thần linh nào khác, vì làm như vậy là trái với tinh thần thờ phượng của giới răn thứ nhất Chúa đã dạy.”

“Tóm lại, trưng ảnh tượng các thần linh ngoại giáo, hay tham gia vào các việc thiếu đức tin và mê tín dị đoan như nói trên, và ngay cả tin 12 con vật làm chủ vận mạng con người và vũ trụ, kiêng chụp hình 3 người, kiêng các con số 10, 13, tin con số 9, v.v… đều đi ngược điều răn thứ nhất dạy ta phải tôn thờ, tin tưởng và trông cậy một mình Thiên Chúa mà thôi.

Tin và tham gia vào những việc mê tín dị đoan này thì chắc hẳn là phạm tội nghịch Điều Răn Thứ Nhấttheo Giáo lý của Giáo Hội”.

 

-----oooa & b ooo-----

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

CÁC CHÚ THÍCH



(*)     Tất cả các chú thích, được dời xuống cuối hết, và đánh số thứ tự 1, 2, 3…..



[1]    Bài này có trích lược vài đoạn từ cuốn “Tìm hiểu đàng sau cái chết”, phóng tác của H.M.Tuấn, Cssr, theo nguyên tác “Peut on communiquer avec les morts ?”, của Lm. Reginald Omez, OP., Tủ sách “Ecclesia”, số 12, Arthème Fayard – Paris, 1955.

[2]    -  Còn các thần mà người Việt chúng ta ngày xưa tôn lên như thần mưa, thần gió, thần sấm sét, thần sông Hà Bá, thần núi, thần cây đa, Nam Tào, Bắc đẩu… ? Đó chỉ là chuyện tưởng tượng của những người sống trong thời đại tiền khoa học, thấy các sức mạnh thiên nhiên quá mạnh mẽ, họ tưởng đó là các vị thần, cho nên họ cúng bái để xin cho được các đấng ấy phù hộ sống yên hàn, mưa thuận gió hòa.

-   Lại còn những vị có công với làng nước cũng được tôn lên làm thần như Thần Hoàng làng, Đức Thánh Trần, Liễu Hạnh Công Chúa, Bà Chúa nọ, Bà Chúa kia…. Họ đã được vua hay dân chúng mộ mến và biết ơn mà “phong thần” cho họ, song thực chất họ cũng chỉ là người không phải thần linh.

[3]    Có người vặn lại : Sẽ không có vi phạm nữa, nếu đương sự tự do bằng lòng chấp nhận để Chúa hay Đức Mẹ nhập vào mình mà ban lời dạy dỗ !  - Theo thiển nghĩ của chúng tôi, dù trong trường hợp đương sự tự do chấp nhận, Chúa và Đức Mẹ vẫn tôn trọng các qui luật nói trên, không nhập vào họ. Nói cho cùng, tôn trọng các qui luật ấy thì cũng chỉ vì tôn trọng con người. Bản thân mỗi con người là một bản vị (une personne), vậy chỉ có thể có một chủ mà thôi, mang trách nhiệm về tất cả mọi lời nói và hành động của mình, đó là : Cái “Tôi”, “ngã”, (“ego”, “le moi”), nếu Chúa hay Đức Mẹ xâm nhập, thành ra trong người ấy có hai chủ, “hai ngã”, hai “cái tôi”. Không bao giờ Chúa hay Đức Mẹ lại làm như thế.

            Không nên nhầm lẫn việc nhập xác nói đây với việc Chúa ngự trong lòng ta như khách được mời sẽ nói ở chú thích 6 dưới đây.

[4]   Thành ngữ : “Thiên Chúa phán qua miệng tiên tri Xrằng…”, đôi khi có vẻ dị nghĩa và có thể làm cho người ta hiểu lầm là : Thiên Chúa nhập vào trong mình tiên tri ấy và phán ra qua miệng ông ấy… Nhưng đó là chỉ vì muốn nói vắn gọn, thực ra thì ý nghĩa vẫn như trên : Thiên Chúa không nhập vào thân mình ngôn sứ, song ban lời cho ngôn sứ, ngôn sứ truyền lại cho người ta.

[5]      Satan và bè lũ có thể làm những phép mầu, dấu thiêng điềm lạ ! Đoạn Thư 2 Thêxalonica 2.9-11sau đây cho biết : “Việc ‘tên vô đạo, đứa hư khốn’ xuất hiện là do tác động của Satan, có kèm theo đủ thứ phép mầu, dấu lạ, điềm thiêng, và đủ mọi mưu gian chước dối, nhằm hại những kẻ phải hư mất vì đã không đón nhận lòng yêu mến sự thật để được cứu độ…”

[6]    Những âm hồn vất vưởng này thoạt nghe có vẻ rất giống với “các cô hồn” mà người lương thường nói, theo họ đó là những kẻ chết đi không có người thân cúng giỗ của ăn áo mặc… ở bên thế giới bên kia, hay ở nơi suối vàng, phải làm ma đói lang thang vất vưởng… Đối với người Công Giáo chúng ta, qua những gì chúng ta đã học biết ở trên, thì không tin chuyện đó.

Nhưng cũng không nên lầm “các cô hồn” này với kiểu nói của nhiều người Công Giáo : “Các linh hồn mồ côi”, một danh từ không biết do ai tạo nên, nghe kỳ cục, song có lẽ muốn nói : “Đó là những linh hồn đang ở nơi Luyện Tội, song không có người thân còn sống trên dương thế cầu nguyện và xin Lễ cho để được giải thoát khỏi chốn Luyện Hình”.

[7]    Cũng phải ghép chung vào đây những việc lên đồng, hầu đồng, hầu bóng, cầu cơ, chiêu hồn v.v… nói tóm mọi hình thức gọi âm hồn trở về, nhập vào “đồng cốt”, là một người còn sống ở dương gian, mà nói…

8    Theo Linh Mục Gabriele Amorth, chuyên gia trừ quỉ chính thức của Giáo phận Rôma, thì Satan hành động theo 2 cách :

 

1) Cách thông thường là lúc nó cám dỗ người ta làm sự dữ, làm sự tội. Nó cám dỗ tất cả mọi người, từ khi sinh ra cho đến lúc chết.

2) Cách ngoại thường, bao hàm việc khiêu khích một cách thâm hiểm để gây ra những tai ách khốn khổ, và sẽ không chấm dứt cho tới khi đối tượng phải thuộc quyền sở hữu của nó.

Trong cuốn “Nhà Trừ Quỉ”, Linh Mục viết :  Loại hành động thứ hai này có thể mang 6 hình thức khác nhau:

1. Quỉ gây ra đau đớn thể lý bên ngoài.Chúng ta biết về điều này từ nhiều cuộc đời của các thánh. Thánh Phaolô Thánh Giá, Thánh Gioan Vianey, Cha Sở họ Ars, Cha Thánh Padre Pio, và nhiều vị Thánh khác đã bị ma quỷ đánh đập. Hình thức hành hạ bề ngoài này không ảnh hưởng đến linh hồn; do đó, với loại này không bao giờ cần đến việc trừ quỷ, chỉ cần cầu nguyện. 

2. Quỷ nhập (Demonic possession). Đây là hình thức trầm trọng và đáng chú ý nhất trong các tai ách do ma quỷ gây nên. Ma quỉ chiếm hữu và làm chủ bản thân đương sự. Điều này xảy ra khi Satan hoàn toàn chiếm trọn thể xác (không chiếm được linh hồn); nó nói và hành động mà nạn nhân không biết hoặc không đồng ý, do đó nạn nhân không mắc lỗi luân lý.

Theo cuốn Nghi Thức trừ quỷ (của Giáo Hội), một số dấu hiệu bộc lộ việc quỷ nhập, như : nói các thứ ngôn ngữ, có sức mạnh ngoại thường, và tiết lộ điều chưa biết… Trong Phúc Âm (Mác cô 5.1-20), người đàn ông ở Ghêrasa là một thí dụ rõ ràng bị quỷ nhập. Tuy vậy, đừng nhất thiết ấn định một "kiểu mẫu cố định” cho hiện tượng quỷ nhập, nó mặc nhiều triệu chứng khác nhau.

3. Quỷ ức chế (Diabolical oppression). Thường là về thể xác: ví dụ nó gây còng lưng (xem Luca 13.10-17). Nhiều triệu chứng từ rất nặng cho đến cơn bệnh nhẹ. Nạn nhân không bị quỉ ám, không mất ý thức, không nói năng lảm nhảm. Thánh Phaolô đã bị một cơn hành hạ của ma quỷ, khiến Ngài phải sầu muộn : “Và để tôi khỏi tự cao tự đại vì những mặc khải phi thường tôi đã nhận được, thân xác tôi như đã bị một cái dằm đâm vào, một thủ hạ của Xa-tan được sai đến vả mặt tôi, để tôi khỏi tự cao tự đại...” (2 Corintô 12,7). Như vậy, không còn hồ nghi gì về nguồn gốc xấu xa của những cơn khốn khổ ấy.

4. Quỷ ám ảnh (Diabolic obsession). Thường là trên mặt tinh thần : cứ luôn có những hình ảnh hay ý tưởng xấu xa tội lỗi ám ảnh trong tâm trí. Triệu chứng bao gồm những sự lên cơn đột ngột, trong lúc đó tư tưởng bị ám ảnh, đôi khi trí khôn ra đờ đẫn, và dĩ nhiên là nạn nhân không thể tự giải thoát cho mình được. Do đó, người bị quỷ ám ảnh thường xuyên phải sống trong tình trạng quằn quại tuyệt vọng, và cứ có ý muốn tự sát. Hầu như sự quỷ ám ảnh luôn ảnh hưởng đến những giấc mộng.

Một số người sẽ cho đây chỉ là những trường hợp bị bệnh tâm thần, cần có sự giúp đỡ của các bác sỹ tâm thần hay các nhà tâm lý học. Tuy nhiên, có một số triệu chứng tỏ ra khác hẳn với triệu chứng những cơn bệnh tâm thần, cho nên chắc chắn là có nguồn gốc do ma quỷ. Chỉ có người chuyên môn và có cặp mắt tinh tường mới có thể xác định được những khác biệt giữa đôi bên.

5. Quỷ phá phách (Diabolic infestation). Những sự phá phách ảnh hưởng đến nhà cửa, đồ vật, hoặc súc vật.

6. Quỷ khống chế (Diabolical subjugation, or dependence). Người ta rơi vào hình thức xấu xa đáng sợ này khi họ tự nguyện thần phục Satan. Hai hình thức thông thường nhất của sự lệ thuộc này là uống máu ăn thề với ma quỷ và bán mình cho Satan. (Xem trên kia trang 16 tt, bè thờ Satan)

     Các biện pháp đề phòng :

1) Sống trong ân nghĩa với Thiên Chúa.

2) Trung kiên trong cầu nguyện, và siêng năng lãnh các Bí tích, và

3) Đừng làm điều gì để mở cửa lòng mình ra cho ma quỷ, nhất là đừng làm việc gì có tính chất huyền bí cả. Không kể những việc mê tín dị đoan như đi xem bói, xem số Tử Vi, cầu cạnh thầy bùa thầy ngải v.v…, có ba việc chính thuộc về công việc có tính chất huyền bí là : ma thuật, thông linh (giao tiếp với âm hồn) và thờ Satan. Người nào tự nguyện làm những việc đó là tự đặt mình vào hành động ngoại thường của ma quỷ.

[9]      Nói “bất hợp pháp” là để đừng lẫn lộn với việc Chúa đến ngự trong linh hồn chúng ta, như lời Thánh Kinh dạy : “Kẻ ăn thịt và uống máu Ta thì ở lại trong Ta và Ta ở trong kẻ ấy” (Gioan 6.56); hay là : “Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến nó và Chúng Ta sẽ đến và đặt chỗ ở nơi mình nó.” (Gioan 14.23); hay là : “Tôi xin Người (Chúa Cha) ban cho anh emđược Đức Kitô ngự trong lòng anh em, nhờ bởi đức tin…” (Ephêsô 3.16-17); và nhất là câu này : “Tôi sống, nhưng không phải tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Galát 2.20), và những câu giống vậy. Thiên Chúa và Đức Kitô đến ngự trong linh hồn ta là như khách được mời, chứ không xâm chiếm hay xâm nhập bất hợp pháp vào trong ta làm ông chủ thứ hai dù ta không muốn, ta vẫn là chủ của con người ta. Vì ta tin và yêu mến Chúa, nên ta mời Người đến ngự cách thiêng liêng trong ta, ban ơn và dạy dỗ, che chở và phù hộ. Ngày nào ta không muốn nữa, ta có thể mời Người đi chỗ khác.

[10]   Câu nói “Trừ tà” này hàm chứa hai việc : Một là cầu nguyện giải thoát(prayer of deliverance), nghĩa là một Kitô hữu (riêng cá nhân hay hợp với một nhóm bạn hữu, một cộng đoàn) cầu nguyện xin Chúa thương giải thoát tà ma ám ảnh khuấy khuất cho đương sự. Cách thức này Kitô hữu nào cũng được phép thi hành. Hai là nghi thức trừ quỉ chính thức (exorcism) trong những trường hợp quỉ nhập rõ ràng và công khai (sau khi đã được y khoa chẩn đoán rõ ràng kẻo lầm bệnh tâm thần với quỉ nhập), thì phải dành cho Giám mục và linh mục nào đủ điều kiện được Giám mục chỉ định thi hành việc đó mà thôi. Vì thi hành quyền này thay mặt cho cả Hội thánh, cho nên đòi hỏi các vị đó phải được chuẩn bị rất kỹ.

Phép trừ quỷ là một nghi thức cầu nguyện, vậy giống như trong việc cầu nguyện, người nào có đức tin mạnh hơn thì nó càng hiệu quả hơn. Đức tin là yếu tố quan trọng chủ yếu. Chính vì thế mà chúng ta thường đọc thấy trong đời sống các Thánh là các ngài đã có thể giải thoát cho người ta khỏi bị ma quỷ chiếm hữu, mà các Ngài đâu có phải là những nhà trừ quỷ chuyên nghiệp.

Đối với những ai sợ không dám thi hành việc trừ tà ma, đuổi quỉ, Linh Mục G. Amorth cảnh báo : Có nhiều người nghĩ : “Nếu ta để ma quỷ yên, thì nó để ta yên. Nếu ta chống lại nó, nó sẽ tấn công ta.” Thật là sai lầm. Chúng ta càng chống lại Satan thì nó lại càng phải sợ ta hơn.”

[11]   Hay “Âm Phủ” là nơi ở - theo quan niệm của người Do Thái cổ thời - của tất cả mọi người sau khi chết, bất luận họ là người lành (như các Tổ Phụ Cựu Ước) hay kẻ dữ. Thời ấy dân Do Thái chưa được Thiên Chúa mặc khải cho biết về có Thiên Đàng và Hỏa Ngục.

[12]    Xin nói thêm để hiểu về hai cách nhìn : một là bình dân, hai là thần học ấy:

      Theo cách nhìn bình dân, thì công việc của Thiên Chúa phải dàn trải ra theo trình tự thời gian của loài người, cái trước, cái sau, cái này rồi mới đến cái kia. Như vậy, trong trình thuật của các sách Tin Mừng Nhất Lãm và Công Vụ Tông Đồ, thì sau khi phục sinh được 40 ngày, và sau khi lên Trời 10 ngày, lúc ấy Chúa Giêsu mới ban Thánh Thần xuống (“Ngài truyền dạy cho họ chớ rời khỏi Yêrusalem, nhưng hãy chờ đợi điều Cha đã hứa :… không mấy ngày nữa, anh em sẽ được thanh tẩy bằng Thánh Thần”… “Anh em sẽ chịu lấy quyền lực Thánh Thần đến trên anh em.” (Luca 24.49; Cv 1.4,8). Và đến lễ Năm Mươi, tức là 50 ngày sau, Chúa Thánh Thần đã hiện xuống trên họ dưới hình lưỡi lửa và “họ hết thảy được đầy Thánh Thần…” (Công vụ 2.1-4).

      Còn theo cách nhìn thần học, tức là nhìn mầu nhiệm của Thiên Chúa một cách siêu thời gian và không gian, thì không cần phải đợi đến 50 ngày, nhưng ngay chiều Chúa Nhật Phục Sinh, Chúa Giêsu đã được tôn vinh trên Trời, hiện ra với các môn đệ và ban Thánh Thần cho họ. Tin Mừng Gioan đã có cái nhìn ấy : “Đức Giêsu đã đến, đứng giữa họ và nói : Bình an cho anh emNói thế rồi, Ngài hà hơi trên họ và nói : ‘Hãy chịu lấy Thánh Thần…” (Gioan 20.19-22).

[13]  Phỏng theo cuốn Đức Yêsu Phục Sinh, Tập I, tr.380.

[14]  Bản dịch Kinh Thánh Tân Ước có hiệu đính của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ, 1 Pr 3.19, cước chú y) cũng giải thích như vậy.

[15]    Hiểu theo nghĩa rộng, thì “Ngục Tổ Tông” vẫn còn tồn tại sau thời Đức Giêsu Kitô và sẽ còn tồn tại bây giờ và mãi cho đến tận thế. Nói như thế có nghĩa là đạo lý về Chúa Giêsu xuống Ngục Tổ Tôngngày nay vẫn còn giá trị. Nhưng phải hiểu cho đúng : “ngục” là một cách nói bình dân và bóng bảy, song theo thần học thì không còn chỉ về “nơi ở” của các vị Tổ Tông xưa nữa, nhưng là tình trạng của tất cả những người ngay lành đã chết, dù họ thuộc thời trước hay thời sau Chúa Kitô, màđã được, hoặc đáng được cứu rỗi, vì đã sống chính trực, ngay lành theo luật tự nhiên hay theo tiếng lương tâm. Chính Công Đồng Vaticanô II, trong Hiến chế về Hội Thánh, số 16, đã khẳng định rõ ràng là họ cũng “có thể được cứu rỗi”: nào là Dân Israen, người Hồi giáo và “những kẻ đang tìm kiếm – trong bóng tối và qua ngẫu tượng – vị Thiên Chúa mà họ không biết” ; ngay “cả những kẻ vô tình không nhận biết Phúc Âm của Chúa Kitô và Giáo Hội Người” ; “cả những kẻ vô tình chưa nhận biết Thiên Chúa cách rõ ràng”, như những người đạo tự nhiên, đạo ông bà, v.v…

Những hạng người đó “ở tình trạng đó” làm gì ? Thưa : Họ chờ đợi ánh sáng thần linh cứu rỗi của Chúa Giêsu vinh hiển soi chiếu. Bởi vì Chúa Giêsu Kitô là Đấng Trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và nhân loại (1Timôtê 2.5), vì vậy : “Không ai đến với Cha được mà lại không nhờ Ta” (Gioan 14.6), cho nên Chúa Giêsu – nói theo truyền thống bình dân – cũng“phải xuống rao giảng cho các thần linh (hay các linh hồn) ấy trong ngục” ; nhưng nói theo thần học (đã trình bày trên kia), thì Người đến gặp họ trong cái chết của họ một cách nào hay vào lúc nào đó mà chỉ Thiên Chúa biết, Người chiếu dọi ánh sáng vinh quang sự sống thần linh của Người cho họ nhận biết Người là Đấng Cứu Độ, và mở cửa cho họ được đến với Chúa Cha, tức là  được vào Thiên Đàng. Do đó các Giáo phụ như Inhaxiô thành Antiôkia mới nói : Đức Kitô là cửa mà “Abraham, Isaac, Giacóp, các tiên tri, các Tông đồ và cả Hội Thánh đi ngang qua để vào” (Philiphê 3.1; x. 5.2).

[16]   Denzinger. 857-858; cũng xem Công Đồng Florence, Denz. 1304-06; Công Đồng Trentô, Denz. 1820.

[17]    X. 2 Timôtê 1.9-10.

[18]    X. 2 Corintô 5.8; Philiphê 1.23; Do Thái 9.27; 12.23.

[19]    X. Matthêu 16.26.

[20]    X. Denzinger. 1000-02; 900.

[21]    Nói về giấc mơ, “mơ lành” hay ngược lại “ác mộng” : khi ngủ đôi lúc ta mơ thấy chuyện vui, có khi thấy người thân đã qua đời hiện về, hay trái lại cảm thấy bị bao vây bởi những cảnh kinh hãi… Liệu điều ấy chỉ là hậu quả của trạng thái tâm thần, hay có việc người thân hiện về báo mộng thật, hay trái lại trong trường hợp ác mộng, đó là hậu quả sự có mặt của ác thần?

Có thể giải đáp như sau : Chúng ta ai cũng biết : các giấc mơ tùy thuộc vào sinh hoạt tiềm thức bình thường. Người đời thường nói : những gì ta tơ tưởng ban ngày, ban đêm ta nằm mơ. Tất cả những chuyện xảy ra ban ngày ấy ghi lại trong tiềm thức và vào một lúc nào đó trong giấc ngủ, nó tạo ra những cảnh huyền hoặc đẹp đẽ vui tươi hay ngược lại kinh hoàng khiếp hãi… Bất cứ ai cũng đều có những giấc mơ lành hay ác mộng, bởi lẽ tất cả chúng ta đều mang trong tiềm thức các kỷ niệm đẹp, chẳng hạn một người thân yêu không còn nữa, ta nhớ thương hết sức, thế là nay trong mơ như thể hiện về đến bên cạnh ta ; hay ngược lại những kỷ niệm kinh hoàng, hoặc những nỗi âu lo dính líu tới một nỗi bất hạnh nào đó nay cũng diễn lại trong giấc mơ thành ác mộng v.v...

Nhưng nên biết rằng : một phần nào, ta có khả năng lèo lái mọi giấc mơ của ta, nói thế nghĩa là khi ta còn tỉnh thức, ta nên ra sức nuôi tâm dưỡng tính được chừng nào hay chừng nấy bằng những điều tích cực và tốt đẹp…, để có những giấc mơ đẹp.

Bất hạnh thay ! Truyền thông đại chúng đang cống hiến những chương trình quá tai hại, ở đó trình bày những màn kinh dị thót tim, những cảnh bạo lực, những mẫu người kinh dị..., phim ma cà rồng, hay ma quái lộng hành, tác quái… Có nên bi quan mà nghĩ rằng những chương trình đó chịu ảnh hưởng đôn đốc của ma quỉ?

Vậy, muốn không có ác mộng, phải tránh xem những buổi diễn xuất gây ra sợ hãi, đọc những sách báo thuật những chuyện kinh dị... Hãy cẩn thận kiểm soát những gì chúng ta thấy và đọc. Điều đó rất cần thiết. Nhờ đó, ảnh hưởng của ma vương quỉ dữ bị loại trừ đi, và ta không còn gì mà phải hãi sợ.

[22]   Nghĩa là chẳng có sự thật tuyệt đối trên đời. Về mặt tôn giáo, thuyết đó ngầm bảo rằng không chỉ có đạo Công Giáo là Đạo Thật và đúng nhất, song đạo nào cũng như đạo nào, v.v….

[23]    Xem Hiến Chế về Giáo Hội : Ánh Sáng Muôn Dân số 1 ; Hiến Chế Mục Vụ : Giáo Hội trong thế giới ngày nay, số 43.

[24]     Huyền bí : tạm dịch chữ “occultisme”.

[25]    Đã đành, thời hồng hoang, khi loài người còn sống trong những lùm cây hay hang hốc thô sơ trống trải, các mãnh lực thiên nhiên ấy hẳn làm cho con người nhỏ bé yếu đuối vô cùng sợ hãi, mà tưởng là thần linh. Nhưng không hiểu sao, ngày nay là thời đại khoa học, và khi con người sử dụng những máy móc tối tân giúp họ làm chủ được thiên nhiên… mà nơi một số những dân tộc trên thế giới,  những tin tưởng mê tín dị đoan ấy vẫn còn tồn tại ?

[26]     Mời xem mô tả ở : Phan Kế Bính, Việt Nam Phong Tục, Nhà sách Khai Trí xuất bản, 1973, tr.332-344.

[27]    Đoạn sau đây, trích lược từ quyển “Nhà Trừ Quỷ” của Linh Mục Gabriele Amorth :

Sự bỏ bùa hay thư ếm là một việc tác hại (malefice) thông qua quyền lực của ma quỉ. Có hai cách khác nhau để bỏ bùa :

1) Cách trực tiếp gồm việc pha trộn đồ vật được dùng làm bùa vào đồ ăn hay thức uống của nạn nhân. Cái này đã được chế tạo bằng những chất liệu rất khác nhau; nó có thể là kinh huyết; xương người chết; các loại tro khác nhau…  

2) Cách gián tiếp, việc này cốt tại yểm bùa những đồ vật thuộc về người bị nhắm đến (các hình ảnh, y phục, hoặc những đồ vật khác của người đó) hoặc những hình ảnh tượng trưng cho người xấu số : những hình nộm, búp-bê, những con vật, và cả đến người thật cùng tuổi và giới tính. Điều này được gọi là chất liệu “chuyển tải”. Một hình nộm là một thí dụ rất thông dụng : trong lễ nghi Satan này, những chiếc “đinh ghim” được cắm chung quanh đầu của hình nộm, kết quả là nạn nhân bị đau đầu dữ dội và chạy đến kêu cứu với nhà trừ quỷ : "Đầu tôi như thể bị những chiếc kim nhọn sắc đâm thâu."  

3) Một sự bỏ bùa mang hình thức “trói buộc” đáng được lưu ý đặc biệt. Bất cứ chất liệu nào được dùng để chuyển tải sự gây hại đều được buộc bằng sợi tóc hay những miếng vải màu mè. Chẳng hạn, khi để tấn công thai nhi của một phụ nữ mang thai, một hình nộm đã được trói buộc từ cổ tới vùng rốn với một cây kim có xâu những sợi lông ngựa, với chủ ý làm méo dạng hài nhi bằng cách gây ra sự phát triển không bình thường các bộ phận trong vùng “bị trói buộc”.

Lời khuyên : Chúng ta cũng đừng quá dễ tin vào những thứ bùa ngải, đặc biệt những phương thế yểm bùa.” Bùa ma thuật luôn luôn hiếm. Phân tích ra, thì hầu hết chúng đều cho thấy có những nguyên nhân tâm lý, cũng như những nỗi sợ hãi gợi nhớ và giả tạo. Cũng vậy, những thứ bùa thường không thành công vì nhiều lý do, chẳng hạn, vì Thiên Chúa không cho phép sự dữ, hoặc nạn nhân lại là một người có đời sống cầu nguyện sâu xa và kết hợp với Thiên Chúa. Hoặc nhiều thầy phù thủy non tay ấn hoặc không đủ khả năng thực hiện; những kẻ khác chỉ là những thày mo; hoặc chính ma quỷ – "kẻ nói dối từ ban đầu" như Phúc Âm đã gán cho hắn – đã lừa dối các tôi tớ của hắn.

Thật là một sai lầm trầm trọng khi sống trong nỗi sợ trở thành nạn nhân của bùa thuật. Như có lần đã nói, Kinh Thánh bảo chúng ta không phải sợ ma quỷ; trái lại, bảo chúng ta phải kháng cự lại nó và bảo đảm là nó sẽ phải chạy trốn chúng ta (thư Giacôbê 4.7) ; và phải tỉnh thức đối phó với các cuộc tấn công của nó, bằng cách kiên vững trong đức tin (1 Phêrô 5.9). Chúng ta đã được ban cho ân sủng của Đức Kitô, Đấng đã đánh bại Satan bằng Thánh Giá của Ngài (Gioan 12.31-32); chúng ta có sự cầu bầu của Mẹ Maria, Đấng là kẻ thù của Satan từ khởi thủy loài người; chúng ta có sự trợ giúp của các Thiên Thần và các Thánh. Hơn hết, nhờ Phép Rửa tái sinh làm con Thiên Chúa, chúng ta đã được Ba Ngôi Cực Thánh niêm ấn, “ác thần không thể đụng tới chúng ta được” (1 Gioan 5.18). Nếu chúng ta sống trong sự hiệp thông với Thiên Chúa, thì chính Satan và cả Hoả Ngục phải run sợ trước sự hiện diện của Chúa chúng ta – trừ phi tự chúng ta mở cửa cho nó.

 Chúng ta phải biết rằng Thiên Chúa cho phép những cơn thử thách xảy ra là vì thiện ích của chúng ta. Ngài cho phép có Thánh Giá chỉ vì nó dẫn chúng ta lên Thiên Đàng. Chân lý này thật hiển nhiên, chẳng hạn, người chai cứng trong tội lỗi, nhờ một cơn bạo bệnh mà lo sợ và ăn năn hối cải; ngược lại, những người được ban cho những đặc sủng riêng biệt thì hay bị nhiều đau khổ hành hạ. Trong những trường hợp này chúng ta phải cầu xin để được chữa lành.

Tuy nhiên, dụng cụ chủ lực chống lại việc bỏ bùa là trừ quỷ, cầu nguyện, các Bí Tích và các Á Bí Tích.

[28]    Mời đọc thêm : Phan Kế Bính, sách đã dẫn, tr.318-332

[29]    Giáng bút: người có căn được thần chọn, cầm sẵn bút, và khi nghe thấy gì bên trong (do thần nói) thì viết ra, có khi theo thể thơ, phú.

[30]    Vì sao có những người đi thờ một con quỉ gớm ghiếc như vậy?

Nguyên nhân chủ yếu là họ không có niềm tin : Họ không tin có Thiên Chúa, thì cũng không tin có Thiên Đàng, có Hỏa Ngục. Nếu có nghe ở nhà thờ, các Linh Mục Kitô Giáo nói về điều đó, họ lại cho là những trò bày đặt để ru ngủ hoặc hù dọa bà già con nít, hay những kẻ thiếu khoa học, thiếu trí tuệ…. Chết là hết. Tin có Thiên Chúa thì bị bó buộc phải thờ Người và giữ các điều luật gò bó cấm kỵ. Còn thờ quỉ Satan là sẽ được tha hồ tự tung tự tác… nhất là vấn đề xả láng tình dục. Thế thì dại gì mà không hưởng thụ. Và họ đã tuyên xưng lối sống ấy trong Huy Hiệu của giáo phái họ : “Chào mừng khoái lạc xác thịt !” (xem trang 16).

            Lối sống này thực ra đâu phải là phát minh của thời đại ta, từ hơn 2200 năm trước, những người Do Thái thoái hóa, chạy theo chủ nghĩa khoái lạc (Epicurisme), cũng đã thực hành rồi :

1Thật vậy : “Đời ta thật buồn sầu, vắn vỏi :

không thuốc nào chữa cho con người khỏi chết…

2 Bởi ngẫu nhiên ta đã ra đời….

Hơi thở của ta là làn khói,

tư tưởng loé lên từ nhịp đập trái tim.

3 Khi nó tắt đi, thân xác sẽ trở thành tro bụi,

sinh khí biến tan như làn gió thoảng.

4 Theo dòng thời gian, tên tuổi ta cũng chìm vào quên lãng,

chẳng còn ai nhớ đến việc ta làm….

5 Cuộc đời ta vụt mất tựa bóng câu,

đã qua rồi là không còn trở lại,…

6 Vậy, nào đến đây, hưởng lấy của đời này,

tuổi còn trẻ, ta cố mà tận dụng

hết những gì đang có sẵn trên trần.

7 Nào, ta say rượu quý, ta ngất hương thơm,

những đoá hoa xuân, ta đừng bỏ phí.

8 Nụ hoa hồng, ta đem kết triều thiên trước khi hoa tàn lụi.

9 Đừng ai vắng trong các cuộc truy hoan,

dấu vết ăn chơi, ta để lại khắp nơi khắp chốn,

bởi đó chính là phần, là số ta được hưởng.

                                                                                (Khôn Ngoan 2.1-9)    

            Và đây cũng xin trích dẫn lại đoạn thư Thánh Phaolô trên kia, đã vạch ra nguyên nhân của những lối sống buông tuồng thương luân bại lý ấy, là do người ta đã từ chối không tin nhận và tôn thờ Thiên Chúa :

            Thay vì Thiên Chúa vinh quang bất tử, họ đã thờ hình tượng người phàm là loài phải chết, hay hình tượng các loài chim chóc, thú vật, rắn rết. Vì thế, Thiên Chúa đã để mặc họ buông theo dục vọng mà làm những điều ô uế, khiến thân thể họ ra hư hèn […]

             Thiên Chúa đã để mặc họ buông theo dục tình đồi bại. Đàn bà không quan hệ theo lẽ tự nhiên, mà lại làm điều trái tự nhiên. Đàn ông cũng vậy, không quan hệ với đàn bà theo lẽ tự nhiên, mà lại đem lòng thèm muốn lẫn nhau : đàn ông bậy bạ với đàn ông. Như vậy là chuốc vào thân hình phạt xứng với sự lầm lạc của mình. Vì họ đã không thèm nhận biết Thiên Chúa, nên Người đã để mặc họ theo trí óc lệch lạc mà làm những điều bất xứng…” (Rm 1.23-28)

 Một trong những nguyên nhân nữa là lòng tham danh vọng : người ta muốn thành người có quyền lực, có địa vị, thế giá, giàu sang trong xã hội; hoặc muốn thành công, nổi tiếng trong nghề nghiệp chẳng hạn như muốn trở thành thần tượng ca nhạc, điện ảnh… Thờ Satan, nó sẽ cho được tất cả những cái đó. Chính nó cũng đã cám dỗ Đức Giêsu như thế : Quỷ lại đem Người lên một ngọn núi rất cao, và chỉ cho Người thấy tất cả các nước thế gian, và vinh hoa lợi lộc của các nước ấy, và bảo rằng :Tôi sẽ cho ông tất cả những thứ đó, nếu ông sấp mình bái lạy tôi.” (Matthêu 4.8-9)

Nhưng cũng có thể có một nguyên nhân khác, đó là hành động phản ứng lại những sự cấm kỵ, khắt khe và gò bó trong Đạo Chúa, cách riêng về vấn đề tính dục. Cũng phải nhìn nhận đã có một thời, do một sự sốt sắng thiếu sáng suốt và học hỏi Kinh Thánh một cách thiên lệch, một số những bộ phận trong Kitô Giáo đã chủ trương những cấm kỵ hết sức nghiệt ngã, khiến ngay cả những tâm hồn thiện chí cũng thấy nghẹt thở…

[31]     Quyền năng của ơn Thiên Chúa vẫn có thể hoán cải ngay cả một đồ đệ của Satan ! Đây là một câu chuyện có thật : “Tôi là một bác sĩ người Đức, 30 tuổi. Cách đây 3 năm, tôi đã đến Mễ Du lần đầu. Thời kỳ đó, tôi tham gia việc thờ phụng Satan, nhưng sau 8 ngày ở đây, nhờ một Linh Mục giúp đỡ, tôi đã hoàn toàn trở lại và được giải thoát. …Nhưng tôi là một người cao ngạo. Khi trở về nước Đức, tôi tự bảo mình : “Tôi sẽ đến thăm các bạn phụng sự Satan. Tôi sẽ nói về Chúa, về Mễ Du, về các lần hiện ra của Đức Maria và tất nhiên tôi sẽ làm cho họ được ăn năn trở lại”. Kết quả ngược lại, sau một tháng ở với họ, tôi đã trở nên tệ hơn họ, và tôi được chọn làm trưởng nhóm. Khi nghe biết là sắp có một cuộc đại lễ tại Mễ Du, tôi quyết định đi đến đó, nhưng là để làm theo lệnh của Satan. Tôi đi lên núi Krizevac để cử hành các lễ nghi Satan và để làm hại. Lúc xuống núi, vừa thấy cô T…. đang trao sứ điệp của Đức Bà, tức thì trong tôi, một nỗi căm thù bừng cháy và tôi muốn giết cô. Ngay lúc đó, cô ấy quay nhìn tôi, và tôi đâm ra bối rối vì cảm thấy có một cái gì đó xảy ra ? Tôi đi ngang qua cô mà không làm gì được. Thật sự tôi đã bị đốn ngã bất lực. Cả đêm tôi không hề chợp mắt. Tuy đã hiến thân cho Satan, thế mà tự lòng tôi vang lên lời cầu nguyện liên lỉ : “Ôi ! Cha trên trời ! Con biết là Cha đang ở đây. Cha đừng bỏ con”. Tôi không thể nào cự lại tiếng cầu nguyện đó, tôi cầu nguyện suốt đêm. Sáng sớm, tôi phải ra khỏi nhà, đi tìm một Linh Mục. Tôi đã tìm thấy Cha Pavic và tôi đã xưng thú hết mọi sự. Cuối cùng, Ngài đã làm phép trừ tà cho tôi.»

   Gặp lại cô T…, ông yêu cầu cô nói cho ông biết là chiều qua, cô đã làm gì khiến ông bị cản không thể giết cô được ?

Cô T. nói : “Đức Mẹ đã ban chúc lành từ mẫu đặc biệt cho chúng tôi và bảo chúng tôi truyền lại cho tất cả mọi người. Lúc tôi thấy ông xuống núi, tôi cảm thấy đau đớn không hiểu tại sao lại có một người bị lửa hận thù khuấy khuất sau một cuộc lễ vui mừng như vậy. Ngay lúc đó, tôi áp dụng ngay lời Đức Mẹ dạy, và tôi đã chuyển chúc lành từ mẫu đặc biệt của Mẹ đến cho ông, cầu xin Cha trên trời ở lại bên ông... Tôi chỉ có làm bấy nhiêu thôi ! Đức Maria làm tiếp. Và như vậy Người đã giữ trọn lời hứa. Trong lời cầu nguyện của chính lòng ông đêm qua, ông không ngờ rằng mình đã lặp lại những lời Đức Mẹ nói khi ban phúc lành của Mẹ cho chúng tôi : “Xin Chúa Cha ở lại bên cạnh con, xin Ngài đừng lìa bỏ con bao giờ.”

Thế là chúc lành của Đức Mẹ đã tước vũ khí Satan và Cha trên Trời đã có thể tỏ tình yêu của Người đối với chúng ta ! (Trích lược sách CÁC CHỨNG TỪ VỀ MẸ, chuyện 52, trang 200tt)

[32]    Bây giờ ta đã hiểu lý do tại sao ở những nơi tụ họp đông người có tính quốc tế như Đền thờ Thánh Phêrô ở Rôma, những nơi hành hương quốc tế như Fatima (Bồ Đào Nha), Medjugorje (Bosnia-Herzegovina), v.v…, Rước Lễ phải bằng miệng chứ không cho giơ tay cầm lấy.

[33]    Việc này thường xảy ra bên các nước Tây Phương. May mắn thay ở VN chúng ta không (hay chưa) xảy ra những việc ấy.

[34]   Các đài truyền hình ấy chắc chỉ nhắm lợi nhuận, ai trả tiền thì cho đăng quảng cáo, bất cứ thứ gì, đúng hay sai mặc kệ. Chính khán giả có trách nhiệm chọn lựa và phê phán.

[35]   Tự nó là một tội trọng, song đôi khi có những yếu tố chủ quan làm giảm trách nhiệmcủa đương sự. Ví dụ như tưởng rằng không có tội, do nhầm lẫn, hay chỉ vì tọc mạch, chẳng hạn trong những việc kể trên như Giáng bút, Cầu cơ, Bàn đập, Bàn xoay v.v… thoạt đầu thường chỉ do bạn bè rủ rê đến xem thử, thấy kỳ lạ hay ngồ ngộ, liền thử chơi, thấy nó nói trúng một số điều được coi là bí ẩn, thế là xiêu lòng, mắc bẫy trở thành người thực hành không dứt bỏ được nữa… 

[36]   Khi ta không tin hay thiếu tin Thiên Chúa là Cha nhân hậu và yêu thương con cái, và vì yêu đã quan phòng, sắp đặt mọi sự, mọi vật để ta được cứu rỗi và được hạnh phúc, cho nên ta mới đôn đáo đi nhờ cậy vào ai khác để biết trước tương lai hậu vận. Nhưng làm chi cũng vô ích, vì chẳng có tạo vật nào có thể làm sai lệch chương trình của Thiên Chúa.

[37]   Ngày nay, Satan có nhiều lợi thế. Nhưng điều này không có nghĩa là nó mạnh mẽ hơn so với quá khứ, mà là cửa ngõ đã được mở rộng ra cho nó. Cụ thể là : ngày nay chúng ta đang sống trong một thời kỳ thiếu đức tin, có tính chất thuần túy khoa học : khi đức tin suy tàn thì mê tín phát triển. Khi chúng ta từ bỏ Thiên Chúa, chúng ta tự gieo mình vào các hành động mở rộng cửa ngõ ra cho Satan. Giờ đây người ta đã không còn cầu nguyện nữa, họ không còn đến Nhà Thờ nữa, và họ đã không còn tìm đến Tòa Giải Tội nữa, chính vì thế mà ma quỷ rất dễ dàng xâm nhập vào họ, khiến cho họ phải tôn thờ ma quỷ, thích thú vào những gì thuộc về ma quỷ và phù phép, và từ đó mất đi niềm tin vào Chúa Giêsu. Chẳng còn  nghi ngờ gì nữa : những phương tiện giải trí và truyền thông đại chúng ngày nay đã cho Satan nhiều lợi thế : trước hết phải nói đến các buổi trình diễn mang tính đồi trụy, hay quá trời nhiều các phim ảnh trình chiếu những cảnh bạo lực, rùng rợn hoặc dâm dật. Ngoài những phương tiện giải trí và truyền thông đại chúng ra, còn có kế hoạch ưu tiên phổ biến các dạng phép thuật và ma quái, và như thế là chúng đã quảng cáo cho các việc làm của ma quỷ rồi. (Trích dẫn lời của Linh Mục G.Amorth).

[38]    Ví dụ : rước tượng Đức Mẹ là dịp người ta đổ xô đến, lấy tay vuốt ve tượng rồi xoa mặt mình để cầu phước, để chữa bệnh v.v... Đọc Kinh X… này mấy lần, thì được gìn giữ khỏi tai họa; đeo ảnh vảy này thì súng đạn bắn không thủng v.v…

[39]  Đây là vài ví dụ về những hình thức đạo đức bình dân : ngắt hoa lá ở đó về nấu làm như thuốc chữa bệnh ; lấy khăn tay lau hay chạm vào ảnh tượng hay vật được coi là thánh thiêng, đem về dùng để chữa lành, để phù hộ v.v… Đành rằng nếu có lòng tin thật, thì những cử chỉ đó có thể là phương tiện Thiên Chúa dùng để làm phép lạ cứu chữa, nhưng thông thường những cái đó dễ bị sử dụng như một thứ bùa phép, “như thể chúng tự động có một hiệu lực ma thuật, mà không đòi buộc đương sự phải có những tâm trạng tin yêu cần thiết” và Giáo Luật bảo : “đó là rơi vào mê tín dị đoan rồi” (CEC, số 2111).

[40]    Nhưng cũng đừng hàm hồ vơ đũa cả nắm, kết án bừa bãi những cử chỉ và nghi thức đó khi chưa kịp phân biệt trắng đen… hay vàng thau lẫn lộn… Muốn tránh dị nghĩa và ngộ nhận, tốt nhất là phải giải nghĩa trước cho rõ.

[41]    Đúng vậy, Kinh Thánh cho biết : Từ ngày nguyên tổ Ađam bất tuân và phạm tội thì : “Vì một người duy nhất (ấy), mà tội lỗi đã xâm nhập trần gian, và tội lỗi gây nên sự chết ; như thế, sự chết đã lan tràn tới mọi người, bởi vì mọi người đã phạm tội.” (Rôma 5.12) ; thế là từ đó “Tất cả thế gian đều nằm dưới ách thống trị của Ác thần.” (1 Gioan 5.18). May thay, bởi lòng thương xót hải hà vô biên của Thiên Chúa, chúng ta được “Người đã giải thoát chúng ta khỏi quyền lực tối tăm (của ma quỉ), và đưa vào vương quốc (ánh sáng của) Thánh Tử Chí Ái ; trong Thánh Tử, ta được ơn cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi.” (Thư Colôsê 1.13-14).

[42]   Đây là một từ ngữ Kinh Thánh Cựu Ước nói về việc dân Thiên Chúa quay sang thờ tà thần ngẫu tượng, bị Thiên Chúa coi là đàng điếm, bất trung, ngoại tình với Thiên Chúa, vì đáng lẽ chỉ tôn thờ một mình Người mà thôi, như kiểu “gái chính chuyên chỉ có một chồng”.

[43]    Tính cách bao quát của điều luật Thiên Chúa cấm ở đây cho phép ta kể thêm vào danh sách ấy - mà thời đó chỉ biết có chừng đó số - những việc ngày nay bày ra thêm : như bùa, ngải, thư ếm, và nhập xác..., dù dưới hình thức mạo danh Chúa, Đức Mẹ, các Thánh, thì vốn cũng chỉ là một thứ bóng ốp, đồng cốt, song đội một tên mới lạ mà thôi để dễ bề lôi kéo người có đạo nữa.

[44]   Xem Denzinger (sưu tập các văn kiện của Giáo Huấn quyền trong Hội Thánh), số 1654.

[45]    Như vậy, như đã nói trên kia, ngày nay việc tham dự vào các cuộc đàm đạo với những âm hồn nhập xác, vốn là chuyện do ma quỉ bày đặt giả bộ âm hồn hiện về, có thể cũng bị rơi vào lời kết án nói trên.

[46]     Ông Phan Kế Bính, một người không Kitô Giáo, trong quyển “Việt Nam Phong Tục”, Thiên ba, mục XXI-XXIX, tr.306-353, cũng coi tất cả những trò bói toán, phù thủy, lên đồng, chiêu hồn, v.v... là phỉnh phờ, lường gạt để kiếm ăn trên những người ngu dốt, ít học, ưa tin dị đoan.

Tr. 343- 344, ông đưa ra một ví dụ cho thấy cái tào lao của việc chiêu hồn: “Thử để ý mà nghe những lúc hồn lên, câu nào cũng là nói dựa nói dẫm, mà cứ dựa theo giọng người nhà mà xoay đầu lưỡi... Ừ, chẳng chẵn thì lẻ, chớ có sai thế nào được. Lạ gì đàn bà (ngồi dự) nhẹ miệng, hễ thấy cô hồn nói hơi sai thì đã người nọ ấm, người kia ứ, thế là cô hồn xoay ra nói khác ngay... Có lúc cô hồn bí, không biết trả lời, thì cho là tại có người dữ vía mà hồn phải thăng...”

 

 

 

-----oooa & b ooo-

Tìm Hiểu:

SUBSCRIBE

Từ khóa