PHƯƠNG PHÁP THIỀN-KITÔ- XV (Thiền-Kitô-Sức Sống Chúa Kitô) CỦA DÒNG SỨC SỐNG CHÚA KITÔ

 


THIỀN-KITÔ-XV  (Thiền-Kitô-Sức Sống Chúa Kitô)

của

HỘI DÒNG  SỨC SỐNG CHÚA KITÔ

I. BA HÌNH THỨC CẦU NGUYỆN

II. TÌM HIỂU NGHĨA CỦA THIỀN KI-TÔ (Nguyện ngắm hoặc Chiêm niệm)  

III. MƯỜI HIỆU QUẢ CỦA THIỀN KI-TÔ (Nguyện ngắm hoặc Chiêm niệm)

IV. TẬP TRUNG TƯ TƯỞNG VÀO CHÚA GIÊ-SU THEO THÁNH TÊRÊXA D’AVILA

V. TƯ THẾ NGỒI TẬP TRUNG TƯ TƯỞNG (cầm lòng cầm trí)

VI. BA BƯỚC TẬP TRUNG VÀO CHÚA

VII. THIỀN-KITÔ (Nguyện ngắm hoặc Chiêm niệm) THEO PHƯƠNG PHÁP CỦA DÒNG SỨC SỐNG CHÚA KITÔ

 

I. BA HÌNH THỨC CẦU NGUYỆN

  1. Truyền thống Ki-tô giáo có ba hình thức cầu nguyện quan trọng :

1.1. Khẩu nguyện (Oratio vocalis)

1.2. Suy gẫm (Meditatio).

1.3. Cầu nguyện chiêm niệm hoặc nguyện ngắm hoặc Thiền Ki-tô (Oratio contemplativa).

  Cả ba đòi hỏi ta phải tịnh tâm [x. Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo (GLCG) số 2721].

 

 2. KHẨU NGUYỆN

        Khẩu nguyện là cầu nguyện thành tiếng, cách diễn tả rất phù hợp với con người, nên thích hợp nhất cho đám đông. Ngay cả khi cầu nguyện trong lòng, chúng ta không được xao lãng khẩu nguyện (x. GLCG số  2704).

.

 3. SUY GẪM

3.1. Suy gẫm là tìm hiểu trong khi cầu nguyện, bằng cách vận dụng khả năng suy tư, trí tưởng tượng, cảm xúc và ước muốn.

3.2. Nhờ suy gẫm chúng ta hấp thụ được đề tài trong đức tin và đối chiếu với thực tại cuộc sống (x. GLCG số  số 2723).

 

 4. THIỀN KI-TÔ (NGUYỆN NGẮM HOẶC CHIÊM NIỆM)

   Thiền Ki-tô (Nguyện ngắm hoặc Chiêm niệm) là hình thức đơn sơ của kinh nguyện,

+ là lấy đức tin mà chiêm ngắm Đức Giê-su,

+ là lắng nghe Lời Chúa,

+ là yêu mến Chúa trong thinh lặng.

   Thiền Ki-tô (Nguyện ngắm hoặc Chiêm niệm) cho ta hợp nhất với Đức Ki-tô trong kinh nguyện của Đức Ki-tô theo mức độ chúng ta tham dự vào mầu nhiệm của Người (x. GLCG số 2724).

 

II. TÌM HIỂU NGHĨA CỦA THIỀN KI-TÔ (NGUYỆN NGẮM HOẶC CHIÊM NIỆM)

1. Chiêm niệm

1.1. Chiêm: ngẩng lên mà nhìn.

1.2. Niệm: Nhớ, nghĩ tới một cách thường xuyên.

1.3. Chiêm niệm là cầu nguyện trong thinh lặng (x. GLCG 2717) bằng cách nhìn Chúa Giêsu bằng mắt và nhìn Chúa Giêsu bằng trí (x. GLCG số 2715).

1.4. Trong chiêm niệm hoặc nguyện ngắm, chúng ta đi tìm "Đấng lòng ta yêu mến" (Dc 1,7 ; x. Dc 3,1-4 ) ,  nghĩa là chính Đức Giê-su, và trong Người, chúng ta tìm đến Chúa Cha.

1.5. Chiêm niệm là cao điểm của đời cầu nguyện (x. GLCG số 2714). Chiêm niệm là lấy đức tin mà chiêm ngắm Đức Giê-su. Người dân quê làng Ars đã từng nói với thánh Gio-an Vianê, cha sở của ông, về những lúc cầu nguyện trước Nhà Tạm : "Tôi nhìn Chúa và Chúa nhìn tôi" ( x. GLCG số 2715).

 

 

2. Nguyện ngắm

2.1. Nguyện là cầu nguyện, là cầu xin thành khẩn mong mỏi điều tốt lành. 

2.2. Ngắm: nhìn kỹ với vẻ thích thú.

2.3. Nguyện ngắm là cầu nguyện trong thinh lặng (x. GLCG số 2717) bằng cách nhìn Chúa Giêsu bằng mắt, và nhìn Chúa Giêsu bằng trí (x. GLCG số 2715).

2.4. Nguyện ngắm hoặc chiêm niệm là một hồng ân, một món quà Thiên Chúa ban tặng; chúng ta chỉ có thể đón nhận với tâm tình của người khiêm tốn và nghèo khó (x. GLCG số 2713).

2.5. Nguyện ngắm là gì ? Thánh nữ Tê-rê-sa Cả cho biết : "Theo tôi, nguyện ngắm chính là một cuộc trao đổi thân tình giữa hai người bạn, thường chỉ là một mình đến với Thiên Chúa mà ta biết là Đấng yêu thương ta" ( x. Vida 8 ) . Trong chiêm niệm, có thể chúng ta vẫn suy gẫm, nhưng tâm trí hướng thẳng về Chúa (x. GLCG số 2709).


3. Thiền – Kitô

3.1. Thiền là ngồi lặng yên suy nghĩ. 

3.2. Thiền – Kitô còn gọi là chiêm niệm, hoặc nguyện ngắm.

3.3. Thiền – Kitô là ngồi yên lặng, tập trung và  lấy đức tin mà chiêm ngắm Đức Giê-su, nhìn vào các mầu nhiệm cuộc đời Chúa Ki-tô (x. GLCG số 2715). Thiền Ki-tô (Nguyện Ngắm, Chiêm niệm) cho ta hiệp nhất với Đức Ki-tô (x. GLCG số 2715).

3.4. Thiền – Kitô là thinh lặng, "biểu tượng của thế giới đang tới", hay của "tình yêu thầm lặng" (x. GLCG số 2717).

3.5. Thiền – Kitô là một hồng ân, một món quà Thiên Chúa ban tặng; chúng ta chỉ có thể đón nhận với tâm tình của người khiêm tốn và nghèo khó (x. GLCG số 2713).

 

III. MƯỜI HIỆU QUẢ CỦA THIỀN KI-TÔ (NGUYỆN NGẮM HOẶC CHIÊM NIỆM)

1. Hiệu quả thứ nhất : Thiền Ki-tô (Nguyện ngắm hoặc Chiêm niệm) là lắng nghe Lời Chúa  (x. GLCG số 2716).

1.1. Thiền Ki-tô (Nguyện ngắm hoặc Chiêm niệm) là lắng nghe Lời Chúa. Đây không phải là một thái độ thụ động, nhưng là thái độ vâng phục của người tin Chúa, sự đón nhận vô điều kiện của người tôi tớ, sự gắn bó yêu thương của người con.

1.2. Khi đó, cùng với Chúa Con, Đấng đã trở thành người tôi tớ, và với Đức Ma-ri-a, Người Nữ Tì khiêm tốn của Thiên Chúa, chúng ta thưa với Chúa Cha "xin vâng" (x. GLCG số 2716).

 

2. Hiệu quả thứ hai : Thiền Ki-tô (Chiêm niệm) là tâm tình của người nghèo khó và khiêm tốn phó thác cho thánh ý yêu thương của Chúa Cha (x. GLCG số 2712).

       Chiêm niệm là tâm tình của người nghèo khó và khiêm tốn phó thác cho thánh ý yêu thương của Chúa Cha, trong hiệp nhất ngày càng sâu xa hơn với Con Yêu Dấu của Người (x. GLCG số 2712).

 

3. Hiệu quả thứ ba: Thiền Ki-tô (Chiêm niệm) là một hiệp thông tình yêu có sức đem lại sự sống thần linh (x. GLCG số 2719).

3.1. Thiền Ki-tô (Nguyện ngắm hoặc Chiêm niệm) là một hiệp thông tình yêu có sức đem lại sự sống thần linh cho nhiều người, nếu chúng ta chấp nhận bước đi trong đêm tối đức tin.

3.2. Đức Ki-tô đã trải qua Đêm hấp hối và Đêm âm phủ để bước vào Đêm Phục Sinh. Đây là ba đỉnh cao của Đức Giê-su.

3.3. Chúa Thánh Thần chứ không phải "xác thịt yếu đuối" đã giúp Đức Giê-su sống Giờ ấy trong Thiền Ki-tô (Nguyện ngắm hoặc Chiêm niệm). Chúng ta phải sẵn lòng thức một giờ với Người (x. GLCG số 2719).

 

4. Hiệu quả thứ bốn : Khi Thiền Ki-tô (Chiêm niệm) chúng ta nhìn vào các mầu nhiệm cuộc đời Chúa Ki-tô (x. GLCG số 2715).

4.1. Muốn chiêm ngắm Chúa phải biết quên đi cái tôi của mình. Cái nhìn của Chúa thanh luyện tâm hồn ta; ánh sáng tôn nhan Người soi sáng con mắt linh hồn, dạy cho ta biết nhìn tất cả trong ánh sáng của chân lý và lòng thương xót Người dành cho mọi người.

4.2. Khi chiêm niệm ta cũng nhìn vào các mầu nhiệm cuộc đời Chúa Ki-tô; nhờ đó, ta hiểu biết thâm sâu về Chúa hơn để yêu mến và đi theo Người hơn nữa (x. GLCG số 2715).

 

5. Hiệu quả thứ năm : Thiền Ki-tô (Chiêm niệm) cho ta hiệp nhất với Đức Ki-tô (x. GLCG số 2718).

        Thiền Ki-tô (Nguyện ngắm hoặc Chiêm niệm) cho ta hiệp nhất với Đức Ki-tô trong kinh nguyện theo mức độ cho chúng ta tham dự vào mầu nhiệm của Người (x. GLCG số 2718).

 

6. Hiệu quả thứ sáu : Trong Thiền Ki-tô (Chiêm niệm) chúng ta bày tỏ các mầu nhiệm Đức Kitô qua hành vi đức mến (x. GLCG số 2718).

        Mầu nhiệm Đức Ki-tô được Hội Thánh cử hành trong bí tích Thánh Thể, và được Chúa Thánh Thần làm cho sống động trong Thiền Ki-tô (Nguyện ngắm hoặc Chiêm niệm), để chúng ta bày tỏ các mầu nhiệm đó qua hành vi đức mến (x. GLCG số 2718).

 

7. Hiệu quả thứ bẩy : Lắng nghe Lời Chúa và thưa với Chúa Cha "xin vâng" (x. GLCG số 2716).

7.1. Thiền Ki-tô (Nguyện ngắm hoặc Chiêm niệm) là lắng nghe Lời Chúa. Đây không phải là một thái độ thụ động, nhưng là thái độ vâng phục của người tin Chúa, sự đón nhận vô điều kiện của người tôi tớ, sự gắn bó yêu thương của người con.

7.2. Khi đó, cùng với Chúa Con, Đấng đã trở thành người tôi tớ, và với Đức Ma-ri-a, Người Nữ Tì khiêm tốn của Thiên Chúa, chúng ta thưa với Chúa Cha "xin vâng" (x. GLCG số 2716).

 

8. Hiệu quả thứ tám: Trong Thiền Ki-tô (Chiêm niệm) Chúa Cha ban cho chúng ta được củng cố mạnh mẽ nhờ Thần Khí của Người (x. GLCG số 2714).

8.1. Trong chiêm niệm Chúa Cha ban cho chúng ta được củng cố mạnh mẽ nhờ Thần Khí của Người, để con người nội tâm nơi chúng ta được vững vàng;

8.2. Chiêm niệm cho chúng ta, nhờ lòng tin, được Đức Ki-tô ngự trong tâm hồn; cho chúng ta được bén rễ sâu và xây dựng vững chắc trên đức mến ( x. Eph 3,16-17) (x. GLCG số 2714).

 

9. Hiệu quả thứ chín : Trong Thiền Ki-tô (Chiêm niệm) Chúa Cha sẽ nói với ta Lời của Người và Thần Khí nghĩa tử sẽ dạy ta cầu nguyện (x. GLCG số 2717).

9.1. Trong tâm nguyện lời nói không phải là diễn từ, nhưng chỉ là những cọng rơm giữ cho ngọn lửa tình yêu luôn cháy sáng.

9.2. Trong sự thinh lặng này, sự thinh lặng mà "kẻ hướng ngoại" không thể giữ nổi, Chúa Cha sẽ nói với ta Lời của Người : Ngôi Lời đã nhập thể, chịu đau khổ, chịu chết và sống lại; và Thần Khí nghĩa tử sẽ dạy ta cùng cầu nguyện với Chúa Giê-su (x. GLCG số 2717).

 

10. Hiệu quả thứ mười : Thiền Ki-tô là Hiệp thông với Chúa Ba ngôi và thiết lập giao ước nơi đáy lòng ta (Gr 31, 33) (x. GLCG số 2713).

10.1. Chiêm niệm là một tương quan giao ước Thiên Chúa thiết lập nơi đáy lòng ta (Gr 31, 33).

10.2. Chiêm niệm là hiệp thông : nhờ đó, Ba Ngôi Chí Thánh làm cho con người "mang hình ảnh Thiên Chúa" trở nên "giống Thiên Chúa" (x. GLCG số 2713).

 

 IV. TẬP TRUNG TƯ TƯỞNG VÀO CHÚA GIÊ-SU THEO THÁNH TÊRÊXA D’AVILA (Xin xem sách “Đường Hoàn Thiện”)

1. Hãy hình dung như chính Chúa Giê-su đang ở gần kề bên bạn và hãy xem Người dãy bạn với một tình yêu và lòng khiêm nhường như thế nào (x. Đường Hoàn Thiện, Chương XXVI, 1).

2. Tôi chỉ xin bạn một điều: nhìn ngắm Người. Bạn mong ước Người như thế nào, bạn sẽ được thấy Người như vậy ... Bạn hướng mắt về Người để chiêm ngắm Người (x. Đường Hoàn Thiện, Chương XXVI, 3 và 5).

3. Bạn cố gắng một chút để hướng mắt về Chúa ngay trong nội tâm mình (x. Đường Hoàn Thiện, Chương XXVI, 8).

4. Bạn hãy tìm cho mình một tượng ảnh Chúa tuỳ thích của bạn,  không phải chỉ có ảnh chỉ đeo trên ngực thôi mà  không bao giờ nhìn ngắm, nhưng phải thân thưa với Chúa thật nhiều lần, rồi Người sẽ cho bạn biết nói gì với Người (x. Đường Hoàn Thiện, Chương XXVI, 9).

 

V. TƯ THẾ NGỒI TẬP TRUNG TƯ TƯỞNG (cầm lòng cầm trí)

 Bạn có thể ngồi theo những cách sau:

1/ Ngồi Trên ghế

2/ Ngồi xếp chân

3/ Ngồi bán già

4/ Ngồi kiết già

5/ Ngồi quỳ trên hai gót chân (kiểu ngồi của người Nhật), hoặc ngối một tư thế nào mà cơ thể bạn thấy thích hợp nhất để cầu nguyện được lâu.

Dù ngồi theo cách nào điều quan trọng là lưng của bạn phải luôn luôn thẳng.

 

VI. BA BƯỚC TẬP TRUNG VÀO CHÚA

1. Cách tập mức độ 1

       Bạn đặt một ngọn đèn hay một cây nhang … ngang bằng tầm nhìn của mắt, xa từ 1m đến 4m. Ngồi thẳng lưng , ý chí của bạn cắt ngay ra khỏi tâm trí tất cả lo âu, suy nghĩ mà chỉ nhìn và nghĩ  đến điểm sáng của đèn hay nhang trước mặt mà thôi.

      + Khi hít vào bạn nói thầm trong trí : Chỉ nhìn.

      + Khi thở ra bạn nói thầm trong trí : và nghĩ đến điểm này.

2. Cách tập mức độ 2

         Bạn đặt một hình Chúa Giê-su mà bạn yêu thích ngang bằng tầm nhìn của mắt. Ngồi thẳng lưng, ý chí của bạn cắt ngay ra khỏi tâm trí tất cả lo âu, suy nghĩ mà chỉ nhìn và nghĩ  đến hình Chúa Giê-su trước mặt mà thôi.

        + Khi hít vào bạn nói thầm trong trí : Chỉ nhìn.

        + Khi thở ra bạn nói thầm trong trí : và nghĩ đến Chúa.

3. Cách tập  mức độ 3

         Bạn đặt một hình Chúa Giê-su mà bạn yêu thích ngang bằng tầm nhìn của mắt. Ngồi thẳng lưng, ý chí của bạn cắt ngay ra khỏi tâm trí tất cả lo âu, suy nghĩ mà chỉ nhìn và nghĩ  đến hình Chúa Giê-su trước mặt mà thôi.

+ Khi hít vào bạn nói thầm trong trí :Lạy Chúa Giê-su.

        + Khi thở ra bạn nói thầm trong trí : con yêu mến Chúa.

 

VII. THIỀN-KITÔ (NGUYỆN NGẮM HOẶC CHIÊM NIỆM) THEO PHƯƠNG PHÁP CỦA DÒNG SỨC SỐNG CHÚA KITÔ

    Thiền Ki-tô (Nguyện ngắm hoặc Chiêm niệm) theo Dòng Sức Sống Chúa Kitô gồm có bốn giai đoạn:

    + Nguyện cầu: cầu xin Thần Khí (Chúa Thánh Thần) nhân danh Chúa Kitô, và xin Mẹ Maria Vô Nhiễm dạy dỗ bạn.

     + Khoảng không : Tĩnh lặng tâm hồn và làm sạch tâm trí.

     + Ngắm nhìn : tâm trí nhìn Chúa Giêsu Kitô nơi chính mình.

     + Kết thúc : tạ ơn và giãn xả cơ thể.

1. Nguyện cầu:

    Bạn cầu xin Thần Khí (Chúa Thánh Thần ) nhân danh Chúa Kitô. Làm dấu thánh giá và đọc ba lời nguyện dưới đây một cách thành tâm:

1a. Xin Thần Khí thanh tẩy: Nhân danh Chúa Giêsu Kitô, xin Chúa Cha ban Thần Khí tràn đầy hồn xác con, xin Thần Khí thanh tẩy tội lỗi con (thinh lặng giây lát).

1b. Xin Thần Khí thánh hoá: Nhân danh Chúa Giêsu Kitô, xin Chúa Cha ban Thần Khí tràn đầy hồn xác con, xin Thần Khí thánh hóa con (thinh lặng giây lát).

1c. Xin Thần Khí và Mẹ Maria Vô Nhiễm dạy bạn Ca ngợi Chúa: Nhân danh Chúa Giêsu Kitô, xin Chúa Cha ban Thần Khí tràn đầy hồn xác con; xin Thần Khí và Mẹ Maria Vô Nhiễm dạy con Ca ngợi Chúa Cha trong Chúa Ki-tô (thinh lặng giây lát).

2. Khoảng không (theo gợi ý của Thánh Gio-an Thánh Giá)

         Mục đích của giai đoạn “khoảng không” giúp bạn tĩnh lặng tâm hồn và làm sạch tâm trí, để chuẩn bị cho việc ngồi yên lặng, tập trung và  lấy đức tin mà chiêm ngắm Đức Giê-su, nhìn vào các mầu nhiệm cuộc đời Chúa Ki-tô và hiệp nhất với Đức Ki-tô (x. GLCG số 2715)  ở giai đoạn “ngắm nhìn”.

     2a. Tạo khoảng không trong tâm trí

Tĩnh lặng tâm hồn và làm sạch tâm trí bằng cách nhắm mắt và tập trung ý nghĩ một cách nhẹ nhàng vào một điểm, tốt nhất là điểm ở giữa hai chân mày (ấn đường), rồi từ từ quên điểm ấy luôn.

+ Khi hít vào bạn nói thầm trong trí : chỉ nhì điểm này (ấn đường)

                   + Khi thở ra bạn nói thầm trong trí : và quên đi

     2b. Trạng thái khoảng không

Lúc đó, tâm trí bạn vắng lặng, không nghĩ  tưởng về bất cứ điều gì. (Thời gian chừng 3 phút).

3. Ngắm nhìn (theo gợi ý của Thánh Têrêsa d’Avila)

Ý Lực: trong Đức Maria Vô Nhiễm và trong Thần Khí (x. Lc 1,35), Con người Sức Sống Chúa Ki-tô được biến đổi trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Ki-tô (x. Rm 8,29) [Linh đạo của Dòng Sức Sống Chúa Ki-tô].

 

      Tâm trí bạn nhìn Chúa Giê-su Ki-tô nơi chính mình.

 3a. Ngắm (nhắm mở mắt,  thời gian chừng 3 phút). Bạn nhìn ảnh Chúa Giêsu nào mà bạn yêu thích, nhìn một cách chăm chú, bình thản,và yêu mến.

        + Bạn nhắm mắt, hít vào và đọc thầm trong trí: Lạy   Chúa Giêsu.

        + Bạn mở mắt, thở ra nhìn hình Chúa Giê-su, và đọc thầm trong trí: con yêu mến Chúa.

 3b. Nhìn (nhắm mắt hoàn toàn, thời gian chừng 10 phút). Bạn nhắm mắt nhìn Chúa Giêsu bằng tâm trí (hình dung ra nơi tâm trí bạn hình Chúa Giêsu bạn vừa mới nhìn). Bạn giữ hình ảnh đó trong tâm trí với lòng yêu mến trong thanh thản.

+ Bạn hít vào và đọc thầm trong trí: Lạy Chúa Giêsu.

+ Bạn thở ra và đọc thầm trong trí: con yêu mến Chúa.

      Khi chiêm niệm ta cũng nhìn vào các mầu nhiệm cuộc đời Chúa Ki-tô; nhờ đó, ta hiểu biết thâm sâu về Chúa hơn để yêu mến và đi theo Người hơn nữa (x. GLCG số 2715)

 3c. Nhìn và ca ngợi (nhắm mắt hoàn toàn, thời gian chừng 5 phút). Bạn nhắm mắt nhìn Chúa Giêsu bằng tâm trí và hợp với Mẹ Maria Vô Nhiễm  ca ngợi Chúa Cha.

+ Bạn hít vào và đọc thầm trong trí: Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa (Lc, 46)

+ Bạn thở ra và đọc thầm trong trí: thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi (Lc, 47).

 

    + Lưu ý quan trọng: Khi hít vào, thở ra hai hàm răng cắn nhẹ lên nhau, và đầu lưỡi đặt ở chân hàm răng trên (để đóng 2 đường kinh Nhâm và Đốc lại, giúp bạn dễ tập trung hơn)

 

4. Kết thúc : tạ ơn và giãn xả cơ thể

  4a. Tạ ơn :

+ Con ca ngợi Thiên Chúa Ba Ngôi Cực thánh: “Kinh Sáng Danh”.

+ Con ngợi khen Trinh Vương Vô Nhiễm Maria, Mẹ của Sự Sống: “Kinh Kính Mừng”.

 4b. Giãn xả cơ thể : Bạn xoa tay vào nhau, xoa mặt, vuốt hai tai, xoa nắn hai tay và hai chân làm cho máu lưu thông tốt hơn, thân thể thoải mái khỏi tê mỏi; nằm nghỉ giãn xả chừng 5 đến 10 phút.

 

Ngày 25 tháng 03 năm 2013

Viết lại bài đã viết năm 2006 tại Tu Viện Philip Phan Văn Minh.

 

Xin ca ngợi Thiên Chúa Ba Ngôi Cực thánh,

      và ngợi khen Trinh Vương Vô Nhiễm Maria, Mẹ của Sự Sống.

 

TU SĨ GIUSE-MARIA TRƯƠNG VĂN TRUNG, XV.

NGƯỜI SÁNG LẬP

HỘI DÒNG SỨC SỐNG CHÚA KITÔ 

 

 

 

 

Tìm Hiểu:
Tin liên quan

SUBSCRIBE

Từ khóa